Đức: 250 nghìn người đổ ra đường phản đối TTIP
Ảnh mang tính chất minh họa |
Ban đầu, những người tổ chức biểu tình dự đoán rằng số người tham gia biểu tình có thể sẽ chỉ khoảng 50-100 nghìn người nhưng sau đó có đến 250 nghìn người. Theo các phương tiện truyền thông, người biểu tình đến từ khắp nơi trên nước Đức để tham gia biểu tình ở Berlin.
Những người tổ chức biểu tình này gọi cuộc biểu tình ngày thứ bảy (10/10) là “Ngày quan trọng nhất đối với nền dân chủ” khi cho biết trong lịch sử Đức chưa có cuộc biểu tình nào phản đối một thỏa thuận hay hiệp định nào đó mà lại có số lượng người tham gia kỷ lục như vậy.
Những người tham gia biểu tình phản đối hiệp định trên cho biết, TTIP sẽ làm suy giảm chất lượng các sản phẩm và hạ thấp các tiêu chí bảo vệ môi trường.
Trong khi đó, Chính phủ Đức lại đang tích cực ủng hộ hiệp định này. Phát biểu trước đám đông người biểu tình, Bộ trưởng Kinh tế Đức Sigmar Gabriel cho rằng TTIP sẽ không làm giảm bất cứ tiêu chuẩn chất lượng nào.
Trước đó, Thủ tướng Đức A.Merkel đã bày tỏ hy vọng sẽ ký kết được TTIP trong thời gian ông B.Obama còn nắm quyền Tổng thống Mỹ. Nếu không quá trình đàm phán sẽ tiếp tục bị kéo dài.
Được biết, TTIP (Transatlantic Trade and Investment Partnership (TTIP) là một thỏa hiệp thương mại tự do đang được đàm phán giữa Liên minh châu Âu với Mỹ (tương tự là TPP giữa Mỹ với châu Á-Thái Bình Dương). Hiệp định này được dự đoán là sẽ tăng nền kinh tế của Liên minh Âu châu lên thêm 120 tỷ Euro, nền kinh tế Hoa Kỳ lên 90 tỷ Euro và các nước còn lại trên thế giới lên 100 tỷ Euro.
Ảnh mang tính chất minh họa |
Các cuộc đàm phán đã được bắt đầu vào tháng 7/2013 và đã trải qua 3 vòng đàm. Nếu đàm phán thành công, TTIP sẽ tạo ra khu vực tự do mậu dịch lớn nhất trên thế giới với dân số 800 triệu người. Hiệp định này xem xét xóa bỏ các loại thuế và các hạn chế đối với hàng hóa, cải thiện các cơ sở pháp lý và đưa ra các tiêu chuẩn chung.
Trước đó, ngày 5/10, Bộ trưởng Thương mại 12 nước đã đạt được thỏa thuận về TPP. Tuy nhiên, để có hiệu lực, TPP cần phải được quốc hội 12 nước thành viên phê chuẩn.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ tờ Newsru, tờ báo chuyên đưa tin về tinh hình hình kinh tế, chính trị của Nga và các nước châu Âu, đặc biệt các tin tức liên quan tình hình các nước thuộc không gian hậu Xô Viết. News được thành lập năm 2000.