Đưa Liêu Ninh đi tập trận, Trung Quốc muốn "cảnh cáo" Donald Trump
Truyền thông Trung Quốc nhận định cuộc tập trận ở Tây Thái Bình Dương lần này là một sự kiện bất thường khi Đô đốc Wu Shengli, Tư lệnh Hải quân Trung Quốc đảm nhận cương vị chỉ huy cuộc diễn tập.
Reuters dẫn thông báo từ Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho hay tàu sân bay Liêu Ninh đã khởi hành hôm 24/12 tới Tây Thái Bình Dương để tham gia cuộc huấn luyện "ngoài khơi xa" đầu tiên. Khu vực Tây Thái Bình Dương trải dài từ Trung Quốc tới New Zealand và bao quanh nhiều nước ở Thái Bình Dương, châu Đại Dương và châu Á.
Chiến đấu cơ J-15 của Trung Quốc cất cánh từ tàu sân bay Liêu Ninh. |
Còn trong những ngày gần đây, nhóm tàu sân bay Liêu Ninh đã thực hiện hàng loạt bài diễn tập chiến đấu cơ cất cánh và hạ cánh cũng như tập trận không quân ở biển Hoàng Hải trước khi lên đường tới Tây Thái Bình Dương.
Hồi tuần trước, Liêu Ninh còn tham gia cuộc tập trận bắn đạn thật đầu tiên. Một số video được quân đội Trung Quốc công bố cho thấy các chiến đấu cơ J-15 xuất phát từ Liêu Ninh đã phóng tên lửa và bắn trúng mục tiêu tập trận. Theo giới chuyên gia, việc nâng cấp khả năng chiến đấu cho Liêu Ninh là một phần trong chiến lược củng cố chủ quyền đơn phương của Trung Quốc trên Biển Đông.
Trong một bài báo đăng hôm 25/12 về cách thức ngăn chặn một cuộc tấn công trên biển, tờ Thời báo Hoàn Cầu dẫn lời một chuyên gia quân sự Trung Quốc cho hay sự xuất hiện của tàu sân bay Liêu Ninh là phản ứng của Bắc Kinh trước hành động khiêu khích từ một quốc gia. Và quốc gia đó chính là Mỹ sau sự kiện Tổng thống đắc cử Donald Trump tiến hành điện đàm với Nhà lãnh đạo Thái Anh Văn hôm 2/12. Ngoài ra, ông Trump còn đặt ra câu hỏi về việc Mỹ có nên duy trì quan điểm với chính sách "một Trung Quốc" vốn coi Đài Loan chỉ là một tỉnh ly khai của Trung Quốc.
Theo Nikkei Asian Review, việc Bắc Kinh triển khai Liêu Ninh tham gia tập trận và công khai hình ảnh trước giới truyền thông trong nước cho thấy chính phủ Trung Quốc muốn tuyên bố trước thế giới rằng năng lực chiến đấu của tàu sân bay đang được cải thiện đáng kể.
Với Trung Quốc, khả năng "chống thâm nhập, chống tiếp cận" (A2/AD) là đặc biệt quan trọng nhằm ngăn chặn các trường hợp khẩn cấp như quân đội Mỹ muốn giúp đỡ Đài Loan. Trong đó, chuỗi đảo thứ nhất bao gồm các hòn đảo thuộc tỉnh Okinawa, Đài Loan và Philippines, đóng vai trò phòng tuyến chiến lược bảo vệ Trung Quốc. Do đó, kể từ thập niên 80, Trung Quốc đã luôn tìm cách giành quyền kiểm soát các vùng biển nằm trong chuỗi đảo thứ nhất và chuỗi đảo thứ hai, khu vực nối đảo Izu tới đảo Guam. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng đã nhiều lần cho triển khai các máy bay ném bom tiến hành tập trận ở chuỗi đảo thứ nhất.