Đột kích, tóm gọn "kho" sản xuất hàng nghìn thùng nước giặt, rửa bát giả nhãn D-nee quy mô lớn
Một cơ sở sản xuất nước giặt, nước rửa chén bát, tinh dầu thơm có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Dnee của Thái Lan vừa được cơ quan quản lý thị trường và Công an kinh tế Hà Nội phát hiện thu giữ.
Hàng nghìn thùng hàng thành phẩm đã đóng vào thùng chuẩn bị phân phối ra thị trường để tiêu thụ. |
Sáng hôm qua (2/4), đội Quản lý thị trường (QLTT) số 17 và đội QLTT số 11 thuộc Cục QLTT Hà Nội phối hợp với phòng An ninh kinh tế (Công an TP Hà Nội) bắt quả tang cơ sở sản xuất nước giặt, nước rửa chén bát, tinh dầu thơm có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Dnee của Thái Lan.
Cơ sở này nằm tại địa chỉ số 17, tổ 10 Trinh Lương, Phú Lương, Hà Đông, Hà Nội và được ông Nguyễn Đăng Đạt, sinh năm 1992 thuê để sản xuất.
Tuy nhiên, theo điều tra của lực lượng chức năng, ông Nguyễn Đăng Đạt đang làm Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Đạt Anh có địa chỉ đăng ký kinh doanh tại Đan Phượng, Hà Nội, chứ không phải địa chỉ tại Hà Đông.
Tại cơ sở sản xuất, lực lượng chức năng đã thu giữ hàng nghìn can nước giặt loại 3,5 lít mang nhiều thương hiệu khác nhau. Cùng với đó là hàng trăm thùng hàng đã thành phẩm và nhiều can nhựa, nhãn mác, thùng carton dùng để đóng thành phẩm. Ngoài ra, lực lượng liên ngành cũng thu giữ rất nhiều nguyên vật liệu, hóa chất phục vụ cho quá trình sản xuất.
Tại hiện trường, một người đàn ông tên T. cho biết anh sang Thái Lan để học công thức, sau đó về làm tư vấn kỹ thuật, hỗ trợ cho các bên có nhu cầu mở nhà xưởng sản xuất, trong đó có công ty của anh N.Đ.Đ thuê về làm.
Mỗi công thức pha chế tại các cơ sở như vậy được anh T. bán với giá 15 triệu đồng.
Người đàn ông tên T. cũng cho biết thêm, anh được chủ cơ sở sản xuất này mời đến để dạy công thức cho nhân viên tại xưởng sản xuất, đồng thời hỗ trợ cơ sở nhập hóa chất.
Khai nhận với lực lượng chức năng, chủ cơ sở sản xuất Nguyễn Đăng Đạt cho biết, xưởng sản xuất có 11 công nhân, chia thành 2 ca làm việc. Mỗi ngày, cơ sở sản xuất được 50 thùng, mỗi thùng 4 can. Giá bán buôn theo lời khai ban đầu của Đạt là khoảng 70 ngàn đồng/thùng/can.
Theo ông Lê Việt Phương, Phó Đội trưởng Đội QLTT số 17, cơ sở sản xuất không ghi đầy đủ thông tin theo nội dung về nhãn hàng hóa và có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu một số thương hiệu nổi tiếng đã được bảo hộ tại Việt Nam.
"Đây là vụ việc được Cục QLTT Hà Nội thực hiện theo Quyết định số 888 của Tổng cục QLTT về đấu tranh phòng ngừa, kiểm tra, xử lý vi phạm tại các địa bàn, tụ điểm nổi cộm về hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ", ông Phương nói.
Hiện tại, lực lượng QLTT Hà Nội đang tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng phân loại, kiểm đếm và niêm phong số hàng hóa trên để tiếp tục xác minh làm rõ các vi phạm của cơ sở, xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Thu giữ hàng trăm chai rượu giả thương hiệu sâm Ngọc Linh ở Kon Tum và Quảng Nam
Mới đây, lực lượng quản lý thị trường 2 tỉnh Kon Tum và Quảng Nam đã phát hiện, thu giữ hàng trăm chai rượu giả nhãn hiệu rượu sâm Ngọc Linh Kon Tum K5.