Dòng tin nhắn cuối cùng của Đại úy trẻ hy sinh tại Rào Trăng 3 gửi cha
Sau tin nhắn gửi về báo con đang vào vùng lũ, người cha liên tục gọi điện nhưng không thấy con trả lời.
Điều kỳ diệu đã không đến
Sáng 17/10, Nghệ An có mưa nặng hạt xen lẫn những luồng gió lạnh đầu mùa, song vẫn không ngăn nổi bước chân của những người hàng xóm và đồng đội tới nhà chiến sỹ hy sinh khi đi cứu nạn ở Rào Trăng 3 để chia buồn, phụ giúp gia đình lo liệu tang lễ, chuẩn bị đón những người con về với quê nhà.
Chiều 2 ngày trước, khi thi thể đoàn cán bộ, chiến sỹ bị đất lở vùi lấp ở Trạm kiểm lâm 67 (xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, Thừa Thiên - Huế) được tìm thấy, ông Nguyễn Cảnh Anh (59 tuổi, trú tại xã Nghi Liên, TP. Vinh, Nghệ An) như gục ngã. Hy vọng về phép màu đã không đến với ông.
Ông Anh nghẹn ngào khi nhắc đến con trai của mình. |
Ngồi lặng người bên di ảnh đại úy Nguyễn Cảnh Cường (29 tuổi, con trai ông Anh) mới lập, đôi mắt người bố đỏ hoe mỗi khi có người vào chia buồn với gia đình. Nối nghiệp ông nội, bố mẹ, Cường thi đậu vào Đại học Sỹ quan thông tin. Tốt nghiệp loại xuất sắc, rồi được phân công về Lữ đoàn thông tin 80, Quân khu 4.
Cầm chặt chiếc điện thoại vẫn còn những tin nhắn cuối cùng của con, ông Anh kể, đợt mưa lũ này Cường được tăng cường vào Thừa Thiên - Huế hỗ trợ bà con. Ngày 12/10 có thông tin xảy ra sạt lở tại thủy điện Rào Trăng 3, Cường nhắn tin về bảo “Con đang vào vùng lũ kèm 2 bức ảnh và nói có gì con gọi lại cho cha”.
Hiểu nhiệm vụ của con trai, ông Anh động viên con song cũng căn dặn con trai đảm bảo an toàn. Sáng hôm sau, ông Anh gọi điện liên tục cho Cường đều không được. Ông cũng chỉ nghĩ có thể con trai đi vào khu vực mất sóng, cho tới khi biết tin đoàn vào cứu nạn ở Thủy điện Rào Trăng 3 gặp nạn khi đang nghỉ ở Trạm kiểm lâm 67 khiến ông Anh như chết lặng.
“Nó mới lấy vợ được 10 tháng, hai vợ chồng còn chưa kịp có con thì nó đã đi mất rồi…”, ông Anh nghẹn ngào nói.
Bức ảnh cuối kèm lời nhắn "con đang vào vùng lũ" gửi người cha của đại úy Cường. |
Mấy hôm nay, nhà của Trung tá Lê Tất Thắng (trú tại xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, Nghệ An) cũng liên tục có người ra vào thăm hỏi, chia buồn khi hay tin anh gặp nạn trong chuyến đi cứu hộ. “Vì tính chất công việc nên anh thường xuyên trực cơ quan và xa nhà”, anh trai trung tá Thắng nói.
Trước khi lên đường vào Rào Trăng 3, Trung tá Thắng gọi điện về hỏi thăm vợ con. Đó cũng là lời căn dặn cuối cùng của trung tá Thắng về cho gia đình.
Ngóng chờ chồng, con trong vô vọng
Người dân thôn Xuân Tây (xã Hộ Độ, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh) chủ động tạm gác mọi công việc cùng chia nhau đến các gia đình có người thân đang mất liên lạc trong vụ sạt lở đất tại thủy điện Rào Trăng 3 để chia sẻ, động viên. Từ những cuộc điện thoại từ người thân báo về, đến nay đã có 3 người con ở làng quê này được cho là đã tử vong trong vụ tai nạn.
Người dân tới thăm hỏi, động viên gia đình Trung tá Thắng. |
Ngôi nhà nằm ở cuối thôn, hướng mặt ra phía biển của gia đình anh Lê Thanh Hải (35 tuổi) hai hôm nay chật cứng người vào ra thăm hỏi, phụ giúp gia đình lo công việc khi có tin báo anh Hải đã tử vong.
Nhìn về cánh đồng muối rộng mênh mông trước nhà, bà Trần Thị Mơ (60 tuổi) cho hay, đây là vựa muối của huyện Lộc Hà, nhưng hiện muối làm ra không ai mua nên diêm dân bỏ nghề đi tứ xứ làm ăn. Anh Hải cũng là một trong số đó, mấy năm nay, anh theo một nhà thầu xây dựng trong xã lái máy xúc tại các công trình thủy điện, thủy lợi ở miền Trung.
Tiền lương chắt bóp được đến cuối tháng anh đều đặn gửi về cho vợ nuôi ba con nhỏ và dưỡng thai. Anh được đánh giá hiền lành, sống tình cảm, tối nào cũng gọi điện về tâm sự với vợ, trêu đùa với các con. Mấy ngày khi mưa lũ diễn biến phức tạp ở miền Trung, chị Lê Thị Linh (vợ anh Hải) đứng ngồi không yên, liên tục gọi điện thoại cho chồng song không được.
Trưa 13/10, người mẹ 3 con này đổ gục, phải nhập viện cấp cứu khi nhận tin dữ báo về. “Nó đang nằm bệnh viện, thai yếu, sợ sinh non nhưng vẫn đòi vào Huế tìm chồng”, một người thân của anh Hải nói.
Người thân túc trực, động viên bà Bằng. |
Cách đó không xa là nhà của anh Trương Đình Nội (37 tuổi) cũng tất bật người ra vào phụ giúp gia đình chuẩn bị cho tình huống xấu nhất. Nhìn những tốp người vào ra hỏi thăm, ba đứa con nhỏ của anh Nội ngơ ngác rồi lại chạy ùa vào nhà ôm lấy mẹ khóc.
Bà Lê Thị Bằng (59 tuổi, mẹ anh Nội) cho hay, ít ngày trước, anh Nội gọi điện về nhà báo đang ở trong nhà điều hành của công ty thủy điện Rào Trăng 3. Sau khi hỏi thăm tình hình mưa lũ ở quê, anh dặn vợ gắng chăm con, hứa sẽ làm tích lũy vài năm rồi sẽ về quê làm việc để tiện chăm gia đình.
Ngoài 3 trường hợp được xác định đã tử vong, xã Hộ Độ còn nhiều công nhân đang làm việc tại các dự án thủy điện ở Thừa Thiên - Huế, một số hiện đã liên lạc về gia đình báo đã an toàn sau các vụ sạt lở.
Dù đã được cậu con trai gọi về báo tin chóng vánh đã an toàn, song bà Lê Thị Hoan (60 tuổi) vẫn luôn cầm chắc điện thoại trong tay chờ cuộc gọi thứ 2 từ anh Nguyễn Đình Giáp (con trai bà Hoan) ở thủy điện Rào Trăng 3 liên lạc về thông báo tình hình hiện tại.
“Vợ chồng tôi cả đêm không chợp mắt nổi khi nghe tin thủy điện nơi con trai tôi làm việc xảy ra sạt lở đất, liên tục gọi điện thoại cho con trai nhưng không liên lạc được. Đến khoảng 10g sáng 13/10, tôi bất ngờ nhận được điện thoại của con trai, nó bảo mẹ yên tâm con đã thoát nạn rồi” - bà Hoan kể và cho biết, anh Giáp chỉ kịp nói mấy câu kịp chạy thoát lên núi cùng một số người khác rồi tắt máy, không còn liên lạc được nữa.
Ông Nguyễn Việt Cường - Phó chủ tịch UBND huyện Lộc Hà cho biết, qua thông tin từ người thân báo về, bước đầu xác nhận có 3 nạn nhân ở xã Hộ Độ đã tử vong trong vụ sạt lở thủy điện Rào Trăng 3, một số trường hợp khác hiện vẫn chưa có thông tin gì. Trong khi chờ đợi thông tin chính thức, chính quyền địa phương cũng đã đến các gia đình thăm hỏi, động viên người thân các nạn nhân.
Theo phunuonline.com.vn