Đông Tây chia cắt: Luxembourg yêu cầu "đuổi" Hungary khỏi EU
Ngoại trưởng Luxembourg Jean Asselborn cho biết, Hungary nên bị loại khỏi EU bởi nước này đang đối xử với những người tị nạn “còn tệ hơn cả với dã thú”.
Cảnh sát đứng trước những người tị nạn tại một nhà ga ở trung tâm thủ đô Budapest (Hungary). |
Trong một cuộc phỏng vấn với báo Die Welt của Đức, ông nói: “Bất kỳ quốc gia nào, ví dụ như Hungary, xây dựng hàng rào để ngăn người chạy trốn chiến tranh hoặc tìm cách thoát những chế độ độc tài cần phải bị khai trừ tạm thời, hoặc vĩnh viễn nếu cần, khỏi EU”.
Ông Asselborn cũng kêu gọi thay đổi một số điều luật trong hiến pháp EU để việc loại bỏ Hungary khỏi liên minh trở nên dễ dàng hơn, và cho rằng đầy là “cách duy nhất để bảo vệ sự đoàn kết và những giá trị vốn có của Liên minh Châu Âu”.
Ngay sau đó, Bộ trưởng Bộ Ngoại vụ và Thương mại Peter Szijjarto đã gọi ông Asselborn là “một nhân vật tầm thường” và gọi những phát biểu của ông là “giáo điều, kênh kiệu và tiêu cực”. Ông Szijjarto cho biết, chỉ có người dân Hungary mới có quyền quyết định người họ muốn chung sống, và không một chính trị gia EU nào có thể tước đoạt quyền này.
“Điều đáng ngạc nhiên là cả ông Jean Asselborn và Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jean-Claude Juncker đều nói về việc các thành viên phải chia sẻ gánh nặng cho nhau. Nhưng chúng tôi lại thấy rằng Hungary đang gánh hậu quả do sai lầm của nước khác gây ra”, ông Szijjarto nói thêm.
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) cũng kêu gọi châu Âu hãy có “biện pháp nghiêm khắc” đối với Budapest sau khi công bố những vụ ngược đãi người tị nạn. Họ cho biết điều này đã vi phạm những ràng buộc pháp lý mà Hungary đã cam kết khi trở thành một phần của EU cũng như luật pháp quốc tế.
Sự kiện này diễn ra trong bối cảnh chính phủ Thủ tướng Hungary Viktor Orban đang tổ chức một chiến dịch bài người tị nạn, khi họ phản đối chính sách phân bố đều số người tị nạn ra các quốc gia thành viên của EU.
Vào ngày 2/10 tới, Hungary sẽ tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý gây tranh cãi về việc ủng hộ hoặc phản đối việc EU điều phối 1.294 người tị nạn tạm trú tại Hungary. Chính phủ của ông Orban đã gửi những quyển sách nhỏ có nội dung kêu gọi người dân khước từ kế hoạch này cho nhiều gia đình Hungary, bởi nó sẽ “gây nguy hiểm đối với văn hóa và phong tục truyền thống của đất nước”.
Bà Lydia Gall, nhà nghiên cứu của văn phòng HRW tại Budapest đã gọi đây là “trò tuyên truyền bài ngoại chống người tị nạn vớ vẩn”. Bà Gall cũng chỉ trích EU khi đang “im tiếng” trước những hành động này.
Trong một bức thư điện tử gửi báo Guardian (Anh), bà Gall viết: “EU có những công cụ hữu hiệu để trừng phạt những vấn đề nhân quyền xảy ra tại các nước thành viên. Chúng ta cần phải thu hút sự ủng hộ để áp dụng những công cụ trên nhằm đưa Hungary ra tòa án quốc tế nếu cần”.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin The Guardian, một nhật báo lớn được phát hành hàng ngày ở Vương quốc Anh.