Đông con nhưng má lại ở một mình
Má tôi sinh được một trai và bốn gái, và má hay than: Đẻ cả đống con, vậy mà giờ lại sống một mình.
Ba tôi mất sớm, 43 tuổi, má tôi ở vậy nuôi đàn con nheo nhóc, đứa lớn nhất 17 tuổi, đứa nhỏ nhất chưa tròn 3 tuổi, toàn là tuổi ăn tuổi ngủ.
Với bầy con nheo nhóc vậy, lúc ba còn sống cùng má chăm lo đã cực khổ đến dường nào, vậy mà ba lại để má một mình lo toan.
Với những phụ nữ tài giỏi, hoạt bát, việc một nách năm con cũng chưa chắc có thể chu toàn. Vậy mà, người đàn bà điếc một bên tai, hiền như cục đất, “ngây thơ” đến mức không phân biệt đâu là nói đùa đâu là nói thật, lại dùng hết sức mình vượt qua nỗi đau để tiếp tục nuôi con và trả món nợ mà những ngày ba bệnh nặng phải vay mượn để chữa trị.
Và rồi, đàn con của má đã lớn khôn, trừ người con trai lấy vợ sớm phải bỏ dở học hành, còn lại bốn đứa con gái đều vào đại học.
Má hạnh phúc mỗi khi các cháu về thăm bà. |
Ở quê, người già thường sống dựa vào con trai, con dâu nhưng má và anh trai, chị dâu không thể nào sống được với nhau sau một vụ xích mích trong gia đình. Nhiều người hỏi sao không tố cáo, sao không làm lớn chuyện, má trả lời: “Sao má làm được, vì đứa bị hại cũng là con má, đứa hành hạ em nó cũng là con má”.
Ở với con trai, con dâu không ổn, con gái lớn lên lại kéo nhau rời quê lên Sài Gòn học, đứa lớn chăm đứa nhỏ, đứa nhỏ chăm đứa nhỏ hơn, vậy là bốn đứa đều vào đại học và trưởng thành. Cũng từ đó, má ở nhà một mình.
Lâu dần thành quen, má nói má thích cuộc sống một mình. Má kể, hồi đó nhà nội đông người, con nhỏ, nhà chồng khó, má đi dạy về chỉ thèm giấc ngủ trưa mà không dám. Giờ má sống một mình, thích ăn lúc nào má ăn, thích ngủ lúc nào má ngủ. Thấm thoắt cũng hơn 13 năm.
Con gái sống ở xa, muốn liên lạc với má không dễ vì má không bao giờ bắt điện thoại. Con cảm thấy lo vì tuổi má ngày càng cao, mắt ngày càng kém, tai lại càng lúc càng không nghe rõ. Con lại vì công việc, con cái, nên năn nỉ má lên Sài Gòn sống cùng nhưng má cứ quả quyết: “Má ở một mình quen rồi, lên Sài Gòn tối ngày ở nhà bức bối, chịu sao nổi. Ở quê, má còn có cây cối vườn tược, gà qué, bỏ đi không yên tâm”.
Con gái lại như bị cuốn đi trong vòng xoáy con nhỏ, cơm áo gạo tiền nên cũng dần quên rằng má đã già đi rất nhiều.
Cho đến khi dịch bệnh quét qua, rồi lệnh giãn cách xã hội yêu cầu người già trên 60 tuổi không được ra khỏi nhà, má thấy cô đơn, hụt hẫng trong khoảng thời gian cách ly xã hội. Má thấy buồn, rồi chẳng thiết ăn uống gì, vậy mà má cứ giấu, chẳng cho con cái biết vì sợ chúng lo. Hết lệnh giãn cách, má than bị ho nhiều, uống thuốc không thấy hết, má than nhức đầu. Nghe vậy, con tức tốc về đưa má lên Sài Gòn, phải “dụ” là đi Sài Gòn chữa hết ho để còn ra Út chơi. Nghe vậy, má háo hức đi ngay vì mong được đi chơi.
Ảnh minh họa |
Nhìn đống dây nhợ truyền thuốc cho má mà con cảm thấy xót xa, cảm nhận hết được câu hát “mẹ già như chuối chín cây…” mà thỉnh thoảng con vẫn thường hay ru con gái ngủ.
Chuối chín cây người ta còn cố sao cho mau chín. Còn con, chỉ mong sao chuối đừng chín, chí ít cũng chín chậm để con còn có nhiều thời gian bên má. Sau đợt bệnh này, má đã không thể sống một mình nữa rồi. Chị con cũng đã thu xếp để về ở cùng má. Con cũng hứa sẽ đưa cháu về thăm thường xuyên để má không còn nhắc lại câu “Má đẻ cả đống con, vậy mà giờ lại sống một mình”.
Theo phunuonline.com.vn