Dòng chảy phương Bắc 2 khiến Đức trở thành ‘con tin’ của Nga
Theo ông Mike Pence, điều này sẽ ảnh hưởng đến an ninh của tất cả các nước phương Tây.
Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence |
"Chúng tôi không thể đảm bảo sự bảo vệ đối với phương Tây nếu các đồng minh của chúng tôi ngày càng phụ thuộc vào Nga. Nếu Đức tiếp tục thực hiện đường ống dự án khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2, như Tổng thống Donald Trump nói, điều này theo nghĩa đen sẽ làm nền kinh tế Đức thành “con tin” của Nga", Phó Tổng thống Mỹ Pence nói khi phát biểu tại Hội đồng Đại Tây Dương tại một sự kiện trong khuôn khổ kỷ niệm 70 năm NATO.
"Điều đó là không thể chấp nhận được khi nền kinh tế lớn nhất châu Âu tiếp tục phớt lờ mối đe dọa xâm lược của Nga và bỏ bê an ninh chung của chính chúng ta. Thật sai lầm khi Đức cho phép mình trở nên phụ thuộc vào năng lượng Nga", ông Pence nói thêm.
Ngoài ra, ông Pence nhắc lại rằng trong Khối quân sự Bắc Đại Tây Dương NATO, tất cả các đồng minh được yêu cầu đóng góp vào an ninh chung. Ông một lần nữa chỉ trích chính sách của Đức, nước vẫn không dành 2% GDP cho quốc phòng, như các nước liên minh đã đồng ý trước đó - 1,3% theo dự thảo ngân sách mới nhất.
Dòng chảy phương Bắc 2 khiến Đức trở thành ‘con tin’ của Nga |
Dòng chảy phương Bắc 2 là dự án liên doanh giữa tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom của Nga cùng 5 công ty châu Âu. Lâu nay, Mỹ cực lực phản đối dự án này. Tổng thống Nga Vladimir Putin từng tuyên bố, người đồng cấp Donald Trump đang theo đuổi lợi ích của doanh nghiệp Mỹ trong việc cung cấp khí đốt hóa lỏng (LNG) cho châu Âu.
Dự án đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 sẽ đi qua các vùng lãnh thổ và đặc quyền kinh tế của các quốc gia nằm ngoài khơi bờ biển Baltic - Nga, Phần Lan, Thụy Điển, Đan Mạch và Đức.
Nhiều quốc gia đã phản đối dự án này, trong đó có Ukraine do sợ mất nguồn thu từ việc trung chuyển khí đốt của Nga, cũng như nếu giảm khối lượng khí trung chuyển qua hệ thống vận chuyển khí đốt Ukraine (GTS) có thể dẫn đến hậu quả một số lượng lớn người tiêu dùng Ukraine không có khí đốt, và Mỹ với kế hoạch xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) sang châu Âu đầy tham vọng.
Ba Lan và các nước khác trong khu vực, vốn phụ thuộc vào khí đốt của Nga, đã phản đối mạnh mẽ dự án. Theo lập luận của các nước này, dự án của Đức và Nga đi ngược lại với chính sách của châu Âu trong việc đảm bảo an ninh năng lượng, cũng như đem lại "những tổn thất nghiêm trọng về địa chính trị cho châu Âu".