Đồng bằng sông Cửu Long phấn đấu đạt gần 1 triệu hecta nuôi trồng thủy sản tới năm 2030
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vừa ban hành quyết định phê duyệt Đề án phát triển nuôi trồng thuỷ sản bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030.
Đồng bằng sông Cửu Long phấn đấu đến năm 2030 diện tích nuôi trồng thủy sản đạt trên 990.000 ha. (Ảnh minh họa) |
Theo đó, mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 diện tích nuôi trồng thủy sản đạt trên 990.000 ha, sản lượng đạt trên 4,8 triệu tấn.
Đề án nhằm mục tiêu phát triển nuôi trồng thủy sản vùng ĐBSCL bền vững, phù hợp với điều kiện từng vùng sinh thái và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, nước biển dâng.
Nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng, giá trị sản phẩm và hiệu quả sản xuất dựa trên việc tổ chức sản xuất phù hợp, đầu tư đồng bộ và áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào toàn chuỗi giá trị sản phẩm; đưa nuôi trồng thủy sản trở thành lĩnh vực có đóng góp quan trọng vào tăng trưởng của ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL.
Cụ thể đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng giá trị nuôi trồng thủy sản đạt trên 4%/năm; giá trị xuất khẩu đạt trên 9 tỷ USD, trong đó xuất khẩu tôm nước lợ và cá tra đạt trên 80%.
Diện tích nuôi trồng thủy sản đạt trên 990.000ha, trong đó, tôm nước lợ 720.000ha, cá tra 7.447ha, cá rô phi đạt 6.350ha...
Sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt trên 4,8 triệu tấn. Trong đó, tôm nước lợ đạt trên 1,2 triệu tấn; cá tra khoảng 2 triệu tấn; tôm càng xanh trên 80.000 tấn; cá rô phi trên 175.000 tấn; nhuyễn thể đạt trên 250.000 tấn và các loài thủy sản khác đạt khoảng 1,1 triệu tấn.
100% vùng nuôi trồng thủy sản tập trung được kiểm soát môi trường, dịch bệnh và an toàn thực phẩm; giảm tỷ lệ diện tích thiệt hại do một số bệnh nguy hiểm gây ra trên tôm nuôi nước lợ xuống dưới 10%/năm và cá tra dưới 8%/năm.
Diện tích và sản lượng nuôi trồng thủy sản được sản xuất theo mô hình hợp tác và liên kết chuỗi đạt trên 30%. Lao động nuôi trồng thủy sản được tập huấn, đào tạo nghề đạt trên 30%. Diện tích nuôi trồng thủy sản đạt một trong các chứng nhận GAP, hữu cơ và các chứng nhận chất lượng khác đạt trên 20%.
Hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu, đặc biệt là hệ thống thủy lợi đáp ứng được trên 50% nhu cầu ở các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung. Phát triển nuôi trồng thủy sản theo vùng sinh thái, xây dựng các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung thích ứng với biến đổi khí hậu...
Tổng nhu cầu kinh phí thực hiện đề án khoảng 3.400 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách là 1.000 tỷ đồng và vốn từ các nguồn khác là 2.400 tỷ đồng.
Thảo Nguyên