Đông Á: Tội phạm có tổ chức “kiếm” được 90 tỷ USD mỗi năm
Văn phòng Liên Hợp Quốc về Ma túy và Tội phạm (UNODC) vừa công bố báo cáo mang tên “Tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia ở Đông Á và Thái Bình Dương: Bản đánh giá nguy cơ”.
Một trong những hoạt động của các nhóm tội phạm có tổ chức Đông Á là buôn lậu gỗ. |
Báo cáo này ước tính những nhóm tội phạm kiếm tiền nhiều nhất là những nhóm tham gia buôn bán hàng giả (24,4 tỷ USD), hàng gỗ cấm (17 tỷ USD), heroin (16,3 tỷ USD) và thuốc gây nghiện methamphetamine (15 tỷ USD).
Những nhóm buôn thuốc giả thu được 5 tỷ USD, buôn bán các linh kiện điện tử cũ được “phù phép” thành hàng mới thu lại 3,75 tỷ USD và buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp thu lại 2,5 tỷ USD.
Các hoạt động khác như đưa người di cư bất hợp pháp hay buôn bán phụ nữ và trẻ em gái hay lao động nói chung cũng đem lại hàng trăm triệu USD mỗi năm.
Phó giám đốc điều hành UNODC Sandeep Chawla cho rằng bản báo cáo này mở ra cánh cửa về “cơ chế của thương mại phi pháp: về cách thức, địa điểm, thời điểm, thủ phạm và lí do tại sao các thị trường phi pháp nói trên ảnh hưởng tới khu vực này”.
“Báo cáo nghiên cứu cách thức doanh nghiệp của các nhóm tội phạm đã phát triển ra sao bên cạnh hoạt động thương mại hợp pháp và đã lợi dụng chuỗi phân phối và vận tải ra sao”, ông Chawla phát biểu trong buối công bố báo cáo tại Sydney.
Jeremy Douglas, đại diện của UNODC tại khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương, cho rằng nhiều hoạt động tội phạm có tổ chức sẽ gây hậu quả nghiêm trọng tới vấn đề sức khỏe toàn cầu.
“Khoảng từ 1/3 cho tới 90% số thuốc chống sốt rét ở Đông Nam Á đươc kiểm nghiệm là thuốc giả”, ông cho biết.
“Các mẫu thuốc đó không chứa các thành phần như ghi trên nhãn mác. Những loại thuốc cấp thấp như vậy sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe của cộng đồng. Một là người dùng sẽ bị yếu đi hoặc qua đời. Hai là xu hướng kháng thuốc sẽ gia tăng và đe dọa tới sức khỏe toàn cầu”, ông Douglas cảnh báo.
Ông Douglas cho rằng mối đe dọa từ tội phạm có tổ chức hiện đang lớn đến mức nó có khả năng “gây ra tình trạng bất ổn ở các xã hội trên toàn cầu”.
“Lợi nhuận phi pháp từ hoạt động tội phạm có tổ chức ở Đông Á và Thái Bình Dương có thể giúp chúng mua bất động sản, các công ty và gây ra nạn tham nhũng ở khắp mọi nơi”, ông nói.
“Chúng ta cần phải thảo luận về vấn đề này và hợp tác để đối phó ngay từ bây giờ. Cần phải tạo ra một mạng lưới để đánh bại một mạng lưới”, ông Douglas khuyến cáo.
Hoạt động buôn bán hàng giả là hoạt động “béo bở” nhất và Trung Quốc là thủ phạm lớn nhất.
Theo Tổ chức hải quan thế giới, 75% số lượng hàng giả bị bắt giữ trên toàn thế giới từ năm 2008 tới 2010 có xuất xứ từ Đông Á, chủ yếu là từ Trung Quốc.