Donald Trump sẽ mang lại hòa bình cho bán đảo Triều Tiên?
Thông tin Triều Tiên vừa cho phóng thử thêm một quả tên lửa tầm xa nhưng thất bại được công bố đúng thời điểm Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence có mặt ở Seoul.
Guardian dẫn lời giới chuyên gia nhận định, thay vì tạo ra một cuộc chiến bom nhiệt hạch và thi hành chính sách bên miệng hố chiến tranh với nhà lãnh đạo Kim Jong-un, Tổng thống Mỹ Donald Trump lại hoàn toàn có thể trở thành người kiến tạo hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.
Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể sẽ ký kết thỏa thuận hạt nhân với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. |
Trong tuần qua, Triều Tiên đã nhiều lần lên tiếng đe dọa có hành động đáp trả khủng khiếp có thể bằng hạt nhân nếu Mỹ tiến hành tấn công phủ đầu để phản đối chương trình phát triển tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng.
Về phần mình, chia sẻ trên Twitters, ông Trump nhấn mạnh: "Triều Tiên đang gây rắc rối và nếu Trung Quốc quyết định không giúp đỡ, Mỹ sẽ giải quyết vấn đề một mình mà không cần tới Trung Quốc". Điều này cho thấy ông Trump đã tự nhận thấy tình hình Triều Tiên đang ngày càng trở nên phức tạp hơn so với những suy nghĩ đơn giản trước đây.
Sự thay đổi quan điểm một cách chóng mặt của ông Trump không có gì là đáng ngạc nhiên. Bởi trước khi diễn ra cuộc gặp đầu tiên với nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình ở bang Florida hôm 6 – 7/4, bản thân ông Trump và giới quan chức Mỹ đã nhiều lần lên tiếng chỉ trích Bắc Kinh ngang nhiêm xâm phạm chủ quyền Biển Đông. Nhưng sau cuộc gặp với ông Tập, ông Trump đã hoàn toàn thay đổi thái độ và gọi quan hệ giữa hai nước là bạn bè thân hữu. Chính sách của ông Trump với Nga và Syria cũng thay đổi tới 180 độ. Ngay cả, Bộ trưởng Ngoại giao Anh phải thốt lên rằng: "Ai có thể bắt kịp ông Trump? Có lẽ, ngay cả ông ấy cũng không thể bắt kịp những thay đổi của chính mình".
Thực tế, nhiều khả năng căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên có thể sẽ hạ nhiệt và ông Trump có thể dễ dàng trở thành người kiến tạo hòa bình. Điều này sẽ giống như cuộc gặp nổi tiếng của cựu Tổng thống Richard Nixon với nhà lãnh đạo Trung Quốc Mao Trạch Đông nhằm bình thường quan hệ giữa hai nước vào năm 1972. Vậy liệu rằng ông Trump có từ bỏ những hành động cứng rắn như trước đây để ký kết một thỏa thuận hòa bình với Triều Tiên nhằm phi hạt nhân ở khu vực này? Điều này hoàn toàn có thể xảy ra. Còn hiện tại, quân đội Mỹ được cho đã ở trong tư thế sẵn sàng đối phó trước mọi động thái khiêu khích từ chương trình hạt nhân của Triều Tiên.
Theo Guardian, chính sách đối ngoại của chính quyền Tổng thống Trump với Triều Tiên đã cơ bản hoàn thành. Một nhóm chuyên gia thuộc Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ cũng đã đưa ra hàng loạt phương án từ việc tái triển khai vũ khí hạt nhân tới Hàn Quốc mà Washington đã rút lui từ năm 1992.
Còn theo ông Glyn Ford, một chuyên gia nghiên cứu Triều Tiên, dường như sự kiên nhẫn của chính quyền Mỹ với Triều Tiên đã cạn kiệt sau hàng loạt vụ thử tên lửa của Bình Nhưỡng. Và dù thất bại nhưng vụ phóng thử tên lửa tầm xa hôm 16/4 của Triều Tiên nằm trong chuỗi sự kiện kỷ niệm lần thứ 105 ngày sinh cố chủ tịch Kim Nhật Thành, đã cho thấy tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh với Bình Nhưỡng chỉ có giới hạn.
Ông Trump cho biết ông đã thông báo cho nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình về việc quân đội nước này dùng tên lửa hành trình Tomahawk tấn công một căn cứ không quân ở Syria khi hai người gặp mặt. Tuy nhiên, sự kiện Mỹ dùng "mẹ của các loại bom" để tiêu diệt các tay súng thuộc lực lượng khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Afghanistan, mới được giới chuyên gia đánh giá là lời cảnh báo của Washington gửi tới Bình Nhưỡng. Hành động của Mỹ khiến Trung Quốc không khỏi lo ngại về thái độ khiêu khích của Bình Nhưỡng có thể làm bùng nổ một cuộc chiến tranh hạt nhân và làn sóng tị nạn trên bán đảo Triều Tiên. Trong khi đó, lâu nay, Trung Quốc coi Triều Tiên là một vùng đệm chiến lược nhằm ngăn quân đội Mỹ - Hàn tiến lại gần biên giới nước này.
Theo ông Ford, hành động hiện thời của Mỹ chỉ đơn giản là không muốn công nhận Triều Tiên là một quốc gia hạt nhân. Cũng theo ông Ford, nếu xảy ra một cuộc tấn công quân sự nhằm vào Triều Tiên, Mỹ sẽ chờ thêm ít nhất là 6 tháng nữa. Tuy nhiên, hành động tấn công của Mỹ có thể khiến Hàn Quốc mà cụ thể là thủ đô Seoul gặp nguy hiểm khi Triều Tiên dùng lực lượng pháo binh đáp trả. Hồi năm 2011, thời điểm ông Kim Jong-il giữ cương vị nhà lãnh đạo Triều Tiên, Bình Nhưỡng từng đe dọa nhấn chìm Seoul "trong biển lửa".
Ông Ford còn đặt ra câu hỏi: "Chúng ta đã rút ra được bài học gì từ cuộc chiến ở Iraq và vì sao Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (LHQ) không đảm nhận vai trò dẫn dắt đưa Trung Quốc, Mỹ và Triều Tiên quay trở lại bàn đàm phán?" Câu trả lời là chính quyền của Tổng thống Trump không muốn thông qua LHQ, tổ chức mà ông Trump từng gọi là "nơi chỉ để vui vẻ".
Do đó, hy vọng giờ đổ về cuộc bầu cử Tổng thống Hàn Quốc vào ngày 9/5 tới. Nhiều khả năng chính quyền mới của Hàn Quốc sẽ tìm ra được một giải pháp nhằm tránh xảy ra xung đột quân sự. Chính quyền mới Hàn Quốc còn có thể sẽ mở lại khu công nghiệp chung Kaesong nằm ở khu vực biên giới với Triều Tiên. Đây cũng sẽ là cơ hội tốt để cựu Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon, người đã quay trở về Hàn Quốc sinh sống, trở thành người thiết lập hòa bình ở bán đảo Triều Tiên.
Về phần mình, Anh có thể đóng góp vai trò mang tính chủ động hơn và độc lập hơn trong việc giúp đỡ thiết lập nền hòa bình ở bán đảo Triều Tiên. Như lời Bộ trưởng Quốc phòng Anh Michael Fallon nói Anh sẽ không tham gia bất cứ kế hoạch "liên minh quân sự" nào của Mỹ thực hiện hành động quân sự chống lại Triều Tiên, nếu như không được Hội đồng Bảo an LHQ ủng hộ.