Donald Trump sẽ đẩy Nhật Bản vào cuộc đua hạt nhân?
Chia sẻ trên tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), ông Kevin Rafferty, cựu giáo sư tại Đại học Osaka cho rằng chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc đua vào Nhà Trắng đang tạo ra một "quả bom" tiềm năng đối với các mối quan hệ ngoại giao, chính trị và quân sự trên toàn cầu. Ngoài việc thiếu kinh nghiệm chính trị, những tuyên ngôn lỡ lời rồi sau đó đính chính của ông Trump cũng đã khiến không ít quốc gia trong đó có Nhật Bản phải lo lắng.
Cụ thể, trong chiến dịch tranh cử, trả lời phỏng vấn hãng tin Fox hồi tháng Tư, ông Trump nhấn mạnh: "Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân và Nhật Bản đang tỏ ra lo lắng. Tốt hơn hết là Nhật Bản nên tự bảo vệ mình bằng vũ khí hạt nhân trước mối đe dọa từ Triều Tiên".
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe là nhà lãnh đạo đầu tiên trên thế giới gặp gỡ Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump. |
Sau đó, ông Trump lại lên tiếng đính chính khi cho rằng vũ khí hạt nhân chỉ là một phần trong chiến lược thương lượng và việc đề nghị Nhật Bản trang bị vũ khí hạt nhân chỉ là lời nói "nhất thời".
Khi được hỏi liệu Mỹ sẵn sàng để Nhật Bản và Hàn Quốc trở thành cường quốc hạt nhân, ông Trump cho hay: "Tôi sẵn sàng nếu như họ không thể đáp ứng các yêu cầu của Mỹ bởi Mỹ không thể mãi đảm nhận vai trò quân đội và cảnh sát toàn cầu".
Tuy nhiên, tới tháng 10, ông Trump lại cáo buộc cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton là "kẻ nói dối" khi bà Clinton chỉ trích ông Trump gợi ý để Nhật Bản tự sản xuất vũ khí hạt nhân.
Những người ủng hộ cho rằng khi đắc cử, ông Trump sẽ có những tuyên bố bình tĩnh hơn và sẽ trở thành một vị Tổng thống tốt. Điều này được thể hiện ngay từ những giờ đầu tiên nhận tin giành chiến thắng trong cuộc bầu cử, ông Trump đã thẳng thắn nhắc tới việc hàn gắn một nước Mỹ đang bị chia rẽ.
Trong khi đó, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trở thành nhà lãnh đạo thế giới đầu tiên tới gặp ông Trump tại tòa tháp Trump. Theo nhà lãnh đạo Nhật Bản: "Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump là nhà lãnh đạo có thể tin tưởng được".
Nhưng sau đó, trong một đoạn video đăng trên YouTube, ông Trump đã thông báo kế hoạch các công việc cần làm trong 100 ngày đầu nhậm chức mà điểm nhấn là rút tên Mỹ ra khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Đây thực sự là "gáo nước lạnh" đối với Thủ tướng Abe, người luôn giành sự ủng hộ lớn cho TPP bởi thỏa thuận này sẽ là nền tảng thúc đẩy cải cách kinh tế ở Nhật Bản.
Theo ông Rafferty, có thể thấy quyết tâm tái thiết nước Mỹ của ông Trump đang đẩy Nhật Bản vào tình thế nguy hiểm. Thậm chí trước đó, ông Trump còn cho rằng Mỹ đang phải trả tiền để bảo vệ Nhật Bản đồng thời yêu cầu Tokyo chi thêm tiền để duy trì hoạt động của quân đội Mỹ trên lãnh thổ quốc gia.
Do đó, nếu như không thể làm hài lòng ông Trump, mối quan hệ liên minh quân sự giữa Mỹ và Nhật Bản có khả năng đứng trước nguy cơ bị phá vỡ và Tokyo sẽ chịu thiệt thòi khi mất đi nhiều người bạn. Còn hiện tại, ngày càng xuất hiện nhiều thông tin về việc Trung Quốc triển khai các hệ thống vũ khí phòng không và chống tên lửa ra những hòn đảo nhân tạo mà Bắc Kinh xây dựng trái phép trên Biển Đông. Việc làm này đồng nghĩa với việc Trung Quốc muốn giành quyền kiểm soát toàn bộ vùng biển nằm trong "đường chín đoạn", tấm bản đồ phi lý mà Bắc Kinh đơn phương tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông vốn bị Tòa trọng tài quốc tế phủ nhận hồi tháng Bảy.
Trên biển Hoa Đông, tàu Hải quân Trung Quốc cũng đang tăng cường tần suất xuất hiện gần khu vực quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, khu vực tranh chấp chủ quyền giữa Tokyo và Bắc Kinh. Phần lớn chuyên gia quốc phòng cho rằng nếu không may xảy ra một cuộc xung đột, Nhật Bản sẽ không dễ dàng chịu thua Trung Quốc. Tuy nhiên, chính giới chức Tokyo lại tỏ ra quan ngại về sức mạnh quân sự hùng mạnh của Bắc Kinh khi Trung Quốc mạnh tay chi tiêu quốc phòng trong những năm gần đây.
Đây là lý do một số nhà phân tích cho rằng Tokyo cần tăng gấp đôi ngân sách quốc phòng để đưa Nhật Bản vươn lên vị trí thứ 3 trên thế giới trên bản đồ các cường quốc quân sự. Nhưng dù có tăng chi tiêu quân sự, con số mà chính phủ Nhật Bản chi vẫn chỉ bằng 50% khoản ngân sách quốc phòng của Trung Quốc.
Liên quan tới vấn đề hạt nhân, ngay cả ngành năng lượng hạt nhân dân sự của Nhật Bản cũng đang vấp phải làm sóng phản đối dữ dội trong nước. Nhưng mới đây, Nhật Bản vẫn từ chối ủng hộ nghị quyết của Liên Hợp Quốc về việc cấm vũ khí hạt nhân bởi Tokyo đang nắm trong tay lượng plutonium đủ để sản xuất hàng ngàn loại vũ khí.