Donald Trump: Ông Tập Cận Bình là “người có quyền lực thực sự” với Triều Tiên
Theo tờ Washington Examiner, trong bài phát biểu trước giới báo chí ở Nhà Trắng vào chiều ngày 24/4, ông Trump khẳng định ông Tập là “người có quyền lực thực sự” với Triều Tiên.
“Tôi rất thích ông ấy và tôi tin ông ấy cũng rất thích tôi", ông Trump nói.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đón tiếp nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình. |
Kể từ sau cuộc gặp đầu tiên với nhà lãnh đạo Trung Quốc trong hai ngày mùng 6 – 7/4 tại bang Florida, ông Trump đã nhiều lần lên tiếng ca ngợi Bắc Kinh vì những nỗ lực gia tăng sức ép với Triều Tiên. Điển hình là việc Trung Quốc ngừng nhập than đá của Triều Tiên trong cả năm nay. Ông Trump còn đưa ra lời đề nghị về viễn cảnh hợp tác thương mại có lợi cho đôi bên nếu Bắc Kinh chịu giúp đỡ Washington trong việc giải quyết các vấn đề của Bình Nhưỡng đặc biệt là mối đe dọa từ hạt nhân và tên lửa.
Trong bài phát biểu hôm 24/4, ông Trump một lần nữa bảo vệ quyết định của mình về việc không gọi Trung Quốc là “quốc gia thao túng tiền tệ”. Bởi theo ông Trump kể từ khi ông chính thức nhậm chức Tổng thống Mỹ, Trung Quốc không còn thao túng đồng nội tệ nước này. Và không có lý do gì để cáo buộc Trung Quốc thao túng tiền tệ trong khi chính Bắc Kinh lại đang giúp đỡ Washington giải quyết vấn đề Bình Nhưỡng.
“Không còn hiện tượng thao túng tiền tệ. Thực tế, giá trị đồng tiền của Trung Quốc đã tăng chứ không giảm. Và chúng ta chỉ quan tâm tới hiện tượng giảm. Làm sao tôi có thể tiếp tục gọi họ như vậy, trong khi chính họ là người giúp chúng ta tránh được một cuộc xung đột khủng khiếp có nguy cơ bùng nổ”, ông Trump nhấn mạnh.
Cho tới nay, Trung Quốc hiện vẫn là đồng minh lớn nhất và là nguồn cung cấp chính lương thực và nhiên liệu cho Triều Tiên. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận định Bắc Kinh sẽ tránh gây sức ép lớn với Bình Nhưỡng để không gây ra những bất ổn trong bộ máy lãnh đạo Triều Tiên đồng thời ảnh hưởng tới lợi ích quốc gia của Trung Quốc.
Trong quá khứ, Trung Quốc được cho từng gia tăng sức ép với Triều Tiên nhất là sau khi Bình Nhưỡng thử hạt nhân và phóng tên lửa cũng như có những hành động mang tính khiêu khích. Song theo giới chuyên gia, những sức ép mà Trung Quốc áp đặt với Triều Tiên chưa từng gây ra “nỗi đau thực sự”.