Donald Trump khó có thể gỡ bỏ lệnh trừng phạt với Nga?
Theo AP, các chính trị gia và nghị sĩ thuộc cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ đều đang gây áp lực với ông Trump về việc duy trì lệnh trừng phạt với Nga nhất là sau sự kiện Tổng thống Barack Obama công bố hàng loạt lệnh trừng phạt hôm 29/12 như trục xuất 35 nhà ngoại giao Nga, đưa vào danh sách cấm vận 2 cơ quan tình báo và 3 công ty của Nga trước cáo buộc hỗ trợ hành động tấn công mạng nhằm vào Mỹ. Ngoài ra, Washington còn cho đóng cửa 2 cơ sở của Nga tại New York và Maryland vì bị tố cáo bí mật thu thập thông tin tình báo Mỹ.
Tổng thống Barack Obama nhấn mạnh đây là "sự đáp trả cho những hành động gây rối hung hăng của chính phủ Nga đối với quan chức Mỹ và các hoạt động tấn công mạng nhắm vào cuộc bầu cử Mỹ".
Hình ảnh Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump và Tổng thống NgaVladimir Putin in trên các món đồ lưu niệm tại một cửa hàng tại Quảng trường Đỏ. |
Đây được xem là hành động mạnh mẽ nhất của chính quyền Tổng thống Obama liên quan tới các cáo buộc tấn công mạng. Trước đó, cả FBI và CIA đều cho rằng các tin tặc (hacker) có quan hệ với Nga đã tìm cách can thiệp vào cuộc đua vào Nhà Trắng hồi tháng 11 giữa tỷ phú Donald Trump và cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton. Theo đó, các hacker thân Nga được cho đã can thiệp vào hệ thống bầu cử tại bang Arizona và Illinois song những tác động từ hoạt động này tới nay vẫn chưa được làm rõ.
Về phần mình, phản ứng trước tuyên bố của Tổng thống Obama hôm 29/12, ông Trump cho hay: "Đã đến lúc nước Mỹ hướng đến những chuyện to tát và tốt đẹp hơn". Cũng theo ông Trump, vào tuần tới, ông sẽ gặp các lãnh đạo tình báo để được cập nhật tình hình.
AP đưa tin chia sẻ trước giới báo chí, phát ngôn viên của Tổng thống Putin, ông Dmitry Peskov nhấn mạnh các lệnh trừng phạt mà Mỹ vừa mới áp đặt với Nga là nhằm gây áp lực với Tổng thống đắc cử Donald Trump.
"Chúng tôi cho rằng hành động của chính quyền Tổng thống Obama chỉ cách 3 tuần ông Trump chính thức nhậm chức là nhằm vào 2 mục tiêu. Thứ nhất, hủy hoại thêm mối quan hệ giữa Nga và Mỹ vốn đang ở mức thấp và thứ hai là ngăn chặn kế hoạch sửa đổi chính sách đối ngoại của chính quyền Tổng thống đắc cử Donald Trump", ông Peskov nói.
Tuy nhiên, một quan chức Mỹ giấu tên thừa nhận ông Trump có thể gỡ bỏ lệnh trừng phạt với Nga nhưng đây "không phải là việc làm khôn ngoan" bởi nhiều bằng chứng cho thấy Nga đã can thiệp vào hệ thống chính trị và gây rối loạn hoạt động ngoại giao của Mỹ.
Gỡ bỏ trừng phạt Nga không dễ
Chủ tịch Ủy ban An ninh Nội địa Hạ viện Mỹ, ông Michael McCaul nhấn mạnh ông sẽ hợp tác chặt chẽ với chính quyền của Tổng thống đắc cử Donald Trump để chắc chắn một điều "trong tương lai, phản ứng của Mỹ trước các hành động thù địch như trên sẽ được đưa ra kịp thời, quyết đoán và đủ sức răn đe để đối phương không tái phạm".
Thượng nghị sĩ Chuck Schumer tại bang New York chia sẻ: "Tôi hy vọng chính quyền của ông Trump từ bỏ tư tưởng ủng hộ Nga như trong quá trình tranh cử và chuyển giao quyền lực đồng thời cân nhắc kỹ việc gỡ bỏ các lệnh trừng phạt mới được áp đặt với Nga".
"Ông Trump có thể gỡ bỏ các lệnh trừng phạt Nga nhưng việc này sẽ không dễ thực hiện. Bởi các lệnh trừng phạt đã được ban hành khó lòng có thể xóa bỏ", ông James Lewis, Phó Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) nói.
Hồi tháng 10, chính phủ Mỹ còn cáo buộc Nga tấn công mạng ăn cắp thư điện tử và các tài liệu của Ủy ban quốc gia đảng dân chủ (DNC) và sau đó các thông tin bí mật đã xuất hiện trên WikiLeaks. Những bí mật của DNC bị phơi bày cũng đã khiến chủ tịch cơ quan này là bà Debbie Wasserman Schultz phải từ chức.
Trong bản báo cáo điều tra dài 13 trang được công bố hôm 29/12, Mỹ cho rằng DNC không phải là mục tiêu duy nhất mà các hacker có liên hệ với Nga nhắm tới. Cụ thể, vào mùa hè năm 2015, các hacker đã gửi một mã độc tới hơn 1.000 tổ chức của Mỹ. Kết quả, các hacker đã thành công xâm nhập vào một đảng chính trị của Mỹ.