“Donald Trump” của Philippines đắc cử Tổng thống, thề sửa đổi Hiến pháp
Trả lời trước báo giới vào sáng ngày 10/5, ông Peter Lavina, một đại diện của chiến dịch tranh cử của ông Duterte cho biết, kế hoạch của tân Tổng thống “sẽ cần sự đồng thuận của người dân trên toàn quốc, nhưng trước tiên phải là kêu gọi Quốc hội tổ chức một cuộc họp lớn. Nhất định hiến pháp Philippines sẽ được sửa đổi”.
Ông Rodrigo Duterte đã chính thức đắc cử Tổng thống Philippines. |
Ông Duterte, 71 tuổi, đã phát biểu rằng ông sẽ thay đổi bộ máy chính quyền Philippines từ một hệ thống trung ương trở thành một nhà nước liên bang, một chính sách được nhiều tỉnh thành cách xa thủ đô Manila nhiệt liệt hoan nghênh.
Là thị trưởng thành phố Davao (miền Nam Philippines) trong hai thập kỷ, ông Duterte phàn nàn rằng “Manila có đầy đủ các đặc quyền, còn các khu vực khác thì phải cầu xin mới có”.
Ông Lavina cho biết những chính sách mà ông Duterte áp dụng tại Davao có thể được áp dụng trên toàn quốc. Trong số những thay đổi về hiến pháp còn có cả một lệnh cấm uống rượu vào ban đêm cũng như buộc trẻ vị thành niên phải về nhà trước 10 giờ tối.
“Lệnh cấm uống rượu này là để người dân có thể làm việc vào ngày hôm sau”, ông Lavina nói. “Điều này không ảnh hưởng đến quyền tự do của dân chúng. Tại Davao, chúng tôi cũng cấm phát loa đài lớn bởi mọi người đều cần phải đi ngủ”.
Theo kết quả của một cuộc kiểm phiếu sơ bộ trước đó, số phiếu bầu cho ông Duterte là khoảng 39%. Kết quả này cho thấy vị thị trưởng có những phát ngôn mạnh mẽ (ông hứa sẽ thanh trừng tội phạm triệt để trong nhiệm kỳ 6 năm tới của mình) chắc chắn đắc cử khi kết quả chính thức được công bố.
Một trong số bốn ứng cử viên tham gia bầu cử là thượng nghị sĩ Grace Poe đã chính thức rời khỏi cuộc đua cùng thời điểm kết quả sơ bộ được công bố.
Trong khi đó, cuộc đua giành chức Phó Tổng thống Philippines hiện đang rất căng thẳng, khi luật sư kiêm nhà hoạt động xã hội Leni Robredo hiện chỉ hơn người đứng sau là ông Ferdinand Marcos có 0,4% số phiếu bầu.
Cuộc bỏ phiếu bầu cử toàn quốc ở Philippines đã có sự tham gia của rất nhiều người dân Phillippines, khi có khoảng 80% người đã có mặt bỏ phiếu trong tổng số 54 triệu người được phép bầu cử ở quốc gia Đông Nam Á này.
Những vấn đề nổi cộm được nhắc đến trong suốt chiến dịch bầu cử bao gồm kinh tế, tội phạm và tham nhũng. Ông Duterte được coi là một ứng cử viên phá cách tại một quốc gia từ lâu đã thất vọng trước tình trạng cải tổ chậm chạp, còn bộ máy nhà nước trong nhiều năm đều do một nhóm các quan chức cấp cao đứng đầu.
Nội dung được thực hiện dựa trên tham khảo nguồn tin từ The Guardian, tờ báo thông tin đời sống xã hội có lượng bạn đọc đông đảo của Anh.