Vượt 300km xuống Thủ đô cắm hoa lan vụ Tết, bỏ túi tiền triệu mỗi ngày
Đã 6 năm nay, cứ vào đầu tháng Chạp, Trần Văn Hải (ở Lào Cai) cùng nhóm bạn vượt hàng trăm km xuống Hà Nội cắm hoa lan hồ điệp, công việc tất bật từ sáng tới khuya, mỗi ngày anh bỏ túi 3-4 triệu đồng.
Trong gian hàng bày bán hàng trăm chậu lan hồ điệp ở trước Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình (Nam Từ Liêm, Hà Nội), Trần Văn Hải (25 tuổi) cùng hơn 10 người thợ, chủ yếu là các bạn trẻ quê ở Yên Bái, Lào Cai đang cặm cụi uốn cành, tạo dáng, lên chậu cho những cây hoa lan vừa được chuyển từ Đà Lạt về.
Công việc chính của Hải là làm thợ xây ở quê, nhưng 6 năm, cứ cận Tết anh lại khăn gói xuống Thủ đô để cắm hoa, kiếm thêm thu nhập: "Mình từng được một người anh dạy cho cách cắm hoa này, thêm chút khéo léo, tỉ mỉ và năng khiếu là có thể tạo được nhiều dáng khác nhau.
Trung bình, một thợ lâu năm như mình cắm được 200-300 cành/ngày, với giá 15.000 đồng/cành, đem về thu nhập 3-4 triệu đồng/ngày".
Trong đó hoa màu trắng là khó cắm nhất vì cánh hoa to, vươn dài nếu không cẩn thận, khéo léo rất dễ làm hỏng, hoa màu vàng nhỏ nên dễ uốn chỉnh dáng hơn. (Ảnh: Hà Hiền) |
Mới 25 tuổi nhưng Đào Thái Đức (ở Trấn Yên, Yên Bái) đã có 8 năm kinh nghiệm cắm hoa lan hồ điệp, trong đó 4 năm anh đi cắm trên Lào Cai và 4 năm đi cắm dưới Hà Nội.
Đức hiện vừa trực tiếp cắm hoa vừa quản lý đội thợ gồm 15 người: "Mọi năm thì cứ đến mùng 1/12 âm lịch nhóm chúng tôi bắt đầu xuất quân xuống Hà Nội để cắm hoa nhưng năm nay làm sớm hơn từ 28/11 âm lịch. Bởi hoa chuyển từ Đà Lạt về sớm và dịch bệnh nên làm sớm để nghỉ sớm".
9X này cũng cho biết thêm, giờ giấc làm việc của những người thợ cắm hoa như anh không cố định, buổi sáng thường bắt đầu làm lúc 7h30, nếu có khách đến xem và mua hoa muộn thì sẽ về khuya, có hôm đến 11 giờ đêm. Những thợ chính sẽ ở đến khi chủ cửa hàng hoa nghỉ bán, còn một số thợ phụ thì có thể được nghỉ sớm hơn.
Nhóm thợ 15 người Đức quản lý hầu hết là các bạn trẻ 9X, làm việc tự do ở địa phương và có năng khiếu, từng cắm hoa các năm trước nên tranh thủ làm tháng Tết để có thêm thu nhập.
"Năm nay ở Hà Nội dịch bệnh căng thẳng nên chúng tôi đi làm cũng có phần lo lắng vì thường xuyên tiếp xúc với nhiều người. Khối lượng công việc cũng giảm đi 1/3, không làm luôn chân luôn tay, đơn hàng dồn dập như các năm trước", Đức cho biết thêm. (Ảnh: Hà Hiền) |
Hoa lan hồ điệp có một số dáng cắm phổ biến: Dáng tròn cắm tỏa, cắm rủ, cắm một mặt, mâm xôi, xếp tầng... (Ảnh: Hà Hiền) |
Tết năm nay là năm đầu tiên anh Hoàng Văn Vỹ (Yên Bái) bắt đầu học cắm hoa lan. Ở quê công việc lương thấp, nên anh theo những người bạn xuống Hà Nội vừa học cắm vừa làm, thu nhập cũng dao động từ 500 - 700 nghìn đồng/ngày. (Ảnh: Hà Hiền) |
Theo những người thợ ở đây, cắm trên chậu tròn đòi hỏi độ khéo léo, còn trên gỗ lũa thì đòi hỏi sự sáng tạo nhiều hơn. Lan hồ điệp chơi được rất lâu, cứ 2-3 ngày tưới nước một lần, hoa sẽ tươi được 1-1,5 tháng. (Ảnh: Hà Hiền) |
Nhiều năm trở lại đây, khu vực trước Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình đã trở thành chợ hoa, cây cảnh khổng lồ. Tại đây, lan hồ điệp là một trong những mặt hàng được ưu tiên bố trí ở mặt bằng rộng, vị trí thuận tiện cho khách tham quan và mua bán. (Ảnh: Hà Hiền) |
Anh Trịnh Tiến Đạt, nhân viên bán hàng của một tiệm lan hồ điệp chia sẻ, năm nay các chậu lan tại cửa hàng dao động từ 2 triệu đến hàng trăm triệu đồng. Mặc dù gặp nhiều khó khăn do đại dịch Covid -19 nhưng người Hà Nội vẫn dành một khoản chi phí lớn để chơi hoa lan.
Theo dantri.com.vn