Vụ 6 cựu chiến binh kêu oan sau khi ra tù: Phát dọn cây bụi bị khép tội phá rừng?
Sau khi chấp hành xong án phạt tù, 6 cựu chiến binh tại xã Trường Xuân (huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông) tiếp tục gửi đơn đến các cơ quan có thẩm quyền để kêu oan, mong muốn vụ án được điều tra lại một cách công tâm, rõ ràng.
Sự việc sáng tỏ mới nhẹ nhõm được
Ngày 9/6, ông Nguyễn Nam Thái (ngụ xã Trường Xuân, huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông) chia sẻ ông rất phấn khởi khi đã nhận được quyết định giám đốc thẩm của TAND Cấp cao tại TP.HCM về việc hủy các bản án sơ thẩm và phúc thẩm từng kết tội ông cùng 5 cựu chiến binh khác về tội hủy hoại rừng.
Cũng theo ông Thái, ông và 5 cựu chiến binh khác mong muốn vụ án được điều tra lại một cách công tâm, rõ ràng. Bởi lẽ, các ông chỉ đi phát cây bụi, dây leo để trồng keo gây quỹ, không phá rừng. Hiện, ông đã có đơn gửi đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Tư pháp Quốc hội, yêu cầu giám sát chặt chẽ quá trình điều tra, xét xử lại vụ án và đã nhận được phản hồi từ các cơ quan trên.
Các cựu chiến binh trong một phiên tòa (ảnh do luật sư bào chữa cho các cựu chiến binh cung cấp). |
Ông Thái nói: “Chúng tôi đều là cựu chiến binh nên muốn mọi chuyện được làm sáng tỏ. Chúng tôi không chối bỏ việc phát dọn cây, nhưng đó là những cây bụi, không phải rừng. Cơ quan điều tra xác định chúng tôi đã phá rừng thì phải có cơ sở, căn cứ thuyết phục. Khi nào cơ quan điều tra chứng minh được nơi chúng tôi phát dọn là rừng một cách minh bạch, rõ ràng, khi đó chúng tôi mới “tâm phục khẩu phục”, mới cảm thấy nhẹ nhõm”.
Theo hồ sơ vụ án, vào năm 2008, UBND xã Trường Xuân giao 21ha đất tại khu vực Đắk Nhu cho 3 hộ dân thuộc Chi hội cựu chiến binh thôn 6 quản lý, bảo vệ. Sau đó, chi hội chia cho ông Nguyễn Văn Đạt (chi hội trưởng) 10ha, Trần Văn Thọ (cán bộ địa chính xã Trường Xuân) 5ha và ông Nguyễn Nam Thái 5ha.
Ngày 17/12/2014, ông Nguyễn Văn Hùng (thay vị trí ông Đạt) phát động chi hội phát dọn cây cỏ trong diện tích rừng được giao quản lý để trồng cây keo gây quỹ.
Sau đó, 6 cựu chiến binh gồm: ông Đỗ Mạnh Hùng, Ngân Xuân Dũng, Vũ Tất Đắc, Hoàng Văn Sằn, Nguyễn Nam Thái, Cao Minh Điến và 1 người nữa (đã chết do bệnh) đến vị trí rừng được giao để phát dọn cây.
Ngày 24/4/2015, họ bị cơ quan chức năng phát hiện, thu giữ phương tiện. Sau đó, nhóm cựu chiến binh trên bị khởi tố về hành vi hủy hoại rừng.
Năm 2017, TAND thị xã Gia Nghĩa và TAND tỉnh Đắk Nông đã xét xử, tuyên phạt 6 cựu chiến binh trên từ 6-7 tháng tù giam. Sau khi ra tù, cả 6 cựu chiến binh vẫn liên tục gửi đơn đến các cơ quan có thẩm quyền để kêu oan.
Tháng 3/2020, TAND Cấp cao tại TP.HCM đã có kháng nghị về vụ án này theo hướng hủy các bản án phúc thẩm và sơ thẩm vì không đủ cơ sở kết tội các bị cáo.
Tháng 5/2020, TAND Cấp cao tại TP.HCM đã xét xử giám đốc thẩm, tuyên hủy các bản án phúc thẩm và sơ thẩm đối với 6 cựu chiến binh, giao hồ sơ cho VKSND Cấp cao tại TP.HCM thụ lý điều tra lại.
Vụ án nhiều điểm “mờ”
Trong bản án giám đốc thẩm, TAND Cấp cao tại TP.HCM phân tích, các cơ quan tiến hành tố tụng chưa điều tra, xác minh diện tích đất thuộc lô 3, 6 khoảnh 1, tiểu khu 1710 là rừng tự nhiên, đất trống hay đất nông nghiệp. Các cơ quan tố tụng xác định, nơi xảy ra vụ án là rừng. Tuy nhiên, trong hồ sơ vụ án, không có tài liệu, chứng cứ nào chứng minh nơi xảy ra vụ án là rừng, chủng loại rừng…
Cả 6 cựu chiến binh đều mong muốn vụ án được điều tra lại minh bạch, sáng tỏ. |
Tại biên bản khám nghiệm hiện trường ngày 21/4/2015 kết luận diện tích rừng bị xâm hại là 0,98ha; Bản kết luận giám định ngày 28/4/2015 cũng thể hiện diện tích rừng bị xâm hại là 0,98ha.
Ngày 21/7/2015, sau khi kiểm tra lại hiện trường, cơ quan điều tra xác định, diện tích rừng bị xâm hại là 0,8ha. Tại bản kết luận giám định ngày 14/7/2016 xác định diện tích rừng bị xâm hại là 0,78 ha.
Bản án giám đốc thẩm nhận định, việc thực hiện kiểm tra hiện trường, đo đạc không đúng yêu cầu kỹ thuật nên kết quả đo đạc không có giá trị pháp lý.
“Lẽ ra trường hợp này, cơ quan điều tra phải yêu cầu đo đạc lại diện tích đất rừng bị xâm hại để xác định một cách chính xác mới có cơ sở giải quyết vụ án đúng pháp luật”, nội dung bản án giám đốc thẩm nêu rõ.
Cũng theo bản án giám đốc thẩm, kết luận giám định ngày 24/4/2015 và 14/7/2016 đều do ông Huỳnh Văn Triệu ký với tư cách là giám định viên tư pháp.
Việc giám định lại diện tích rừng bị thiệt hại do cùng một người là trái với quy định tại điểm b, Khoản 1, Điều 34, Luật giám định tư pháp năm 2013.
Bên cạnh đó, bản án giám đốc thẩm cũng khẳng định: Việc xác định diện tích rừng bị hủy hoại không được giám định viên có chuyên môn giám định mà căn cứ vào biên bản xác minh hiện trường không có giá trị pháp lý, nên kết luận giám định ngày 14/7/2016 cũng không có giá trị pháp lý. Các cơ quan tiến hành tố tụng căn cứ vào kết quả nêu trên để điều tra, truy tố, xét xử các bị cáo là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.
Theo quy định tại khoản 1, điều 89 Bộ luật Hình sự năm 1999 và một số quy định khác, hành vi hủy hoại rừng phải có từ 5.000m2 (đối với rừng sản xuất) mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Trong khi đó, cơ quan điều tra xác định, các bị cáo thực hiện hành vi chặt phá rừng trong 4 ngày gồm: 24 và 25/1/2015; 19 và 20/4/2015, tổng diện tích rừng bị xâm hại trong ngày 24 và 25/1/2015 là 4.000m2.
Còn theo các biên bản xác minh của Hạt kiểm lâm thị xã Gia Nghĩa, trong các ngày 27 và 28/3/2015, diện tích rừng tại lô 3, 6 khoảnh 1, tiểu khu 1710 thiệt hại 100%. Như vậy, theo các biên bản trên thì trong 2 ngày 24 và 25/1/2015, diện tích rừng đã bị hủy hoàn toàn.
Tuy nhiên, cơ quan điều tra vẫn xác định các bị cáo phá rừng vào các ngày 19 và 20/4/2015 ở cùng vị trí trên là không đủ cơ sở.
Trần Nhân-Hải Dương