Sai đúng chuyện Phòng khám Thu Cúc từ chối khám cho người có dấu hiệu nhiễm Covid-19
Theo luật sư, nếu từ đầu, Phòng khám ĐKQT Thu Cúc tiếp nhận bệnh nhân đến khám hoặc điều trị thì không xảy ra việc bệnh nhân tiếp tục đi giao lưu với nhiều người để dẫn đến hậu quả như hiện tại.
Ngoài Thu Cúc, còn bệnh viện nào 'né' khám cho người có dấu hiệu nhiễm Covid-19?
Liệu có hay không vì lo sợ dịch 'tấn công' mà bệnh viện 'từ chối' khéo bệnh nhân?. Nếu chẳng may chị H.T. T. mắc Covid-19 thì quá trình di chuyển từ bệnh viện này sang bệnh viện khác có vô tình làm lây lan dịch ra cộng đồng?.
Liên quan đến việc bệnh nhân N.T.T. H. (SN 1979, ở 27 Lê Văn Lương, Thanh Xuân, HN) có biểu hiện đau họng, có lịch trình từ Đà Nẵng về Hà NộI và đến Phòng khám đa khoa quốc tế (ĐKQT) Thu Cúc khám nhưng bị từ chối tiến hành khám chữa bệnh, PV Infonet vừa có cuộc trao đổi với luật sư Hoàng Tùng để hiểu rõ hơn về vấn đề này.
Phòng khám ĐKQT Thu Cúc tại 216 Trần Duy Hưng bị đình chỉ sau khi có dấu hiệu từ chối bệnh nhân nghi nhiễm Covid-19. |
Luật sư Hoàng Tùng cho biết: “Theo thông cáo báo chí của Phòng khám ĐKQT Thu Cúc thì bệnh nhân N.T.T. H. (SN 1979, ở 27 Lê Văn Lương, quận Thanh Xuân, Hà Nội) không nằm trong yếu tố dịch tễ nên phòng khám không sai quy định và hướng dẫn bệnh nhân đến cơ sở y tế của phường…”.
Từ những thông tin này, luật sư nhận định: “Việc từ chối bệnh nhân nêu trên có dấu hiệu của việc từ chối những người có khả năng mắc dịch bệnh.
Phòng khám bệnh đa khoa khu vực là một loại cơ sở y tế thuộc hệ thống phòng bệnh, chữa bệnh bảo đảm chăm sóc ngoại trú về dự phòng và điều trị ở mức độ chuyên khoa cho cán bộ, công nhân viên và nhân dân trong một khu vực nhất định.
Luật sư Hoàng Tùng. |
Phòng khám ĐKQT Thu Cúc tiến hành khám chữa bệnh cho người dân và quảng cáo rằng “khẳng định chất lượng khám chữa bệnh, nơi khách hàng có thể đặt trọn niềm tin, an tâm về sức khỏe”. Mọi người đều hiểu rằng, khi có bệnh, dấu hiệu không tốt về sức khỏe họ có quyền, có nhu cầu để đi khám chữa bệnh.
Họ đến các phòng khám đa khoa được cấp phép hoạt động, vậy nhưng phòng khám lại từ chối không tiến hành khám chữa bệnh.
Lẽ ra, phòng khám Thu Cúc hoàn toàn có thể thực hiện việc tiếp nhận khám chữa bệnh, có thể tiến hành test nhanh, nếu thấy có dấu hiệu của mắc bệnh Covid-19 thì có thể chuyển sang bệnh viện khác hoặc thực hiện theo các quy trình mà Bộ Y tế ban hành.
Vậy, liệu việc khám chữa bệnh nêu trên của Thu Cúc có thật sự đảm bảo tiêu chí, mục đích và đạo đức hành nghề y hay không? Đọc dịch tễ của 2 vợ chồng vừa nhiễm Covid-19 hôm nay ở Hà Nội, tôi đặc biệt chú ý đến thông tin này: Ngày 9/5: Lúc 9 giờ 30 sáng đi khám tại BV Thu Cúc, địa chỉ số 216 Trần Duy Hưng, Trung Hòa, Cầu Giấy”.
Ở đây, có tiếp xúc với nhân viên y tế có mặc đầy đủ bảo hộ. Nhưng bị từ chối ở cửa do có yếu tố đi từ Đà Nẵng. Sau đó, bệnh nhân về nhà. 3 ngày sau, hai vợ chồng mới tới bệnh viện khác test và nhận kết quả dương tính với Sars-CoV-2”.
“Nếu ngay từ đầu, Thu Cúc tiếp nhận bệnh nhân đến khám hoặc điều trị thì đã không xảy ra sự việc 2 bệnh nhân này tiếp tục đi giao lưu và tiếp xúc với nhiều người để dẫn đến hậu quả như hiện tại.
Rõ ràng là phòng khám ĐKQT Thu Cúc đang có dấu hiệu tránh những bệnh nhân từ vùng dịch trở về, với mong muốn không ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cơ sở này. Điều này gây bức xúc cho người dân, và cũng vô tình tiếp tay cho dịch bệnh lây lan”, luật sư Hoàng Tùng đánh giá.
Cùng chung quan điểm, luật sư Diệp Năng Bình (Trưởng VPLS Tinh Thông Luật, TP.HCM) cho biết: “Theo Điều 32 Luật Khám bệnh, chữa bệnh (KBCB), người hành nghề chỉ được từ chối khám, chữa bệnh trong 2 trường hợp.
Thứ nhất, khi trong quá trình KBCB mà tiên lượng bệnh vượt quá khả năng hoặc trái với phạm vi hoạt động chuyên môn của mình. Thứ hai, được từ chối nếu việc KBCB đó trái với quy định của pháp luật hoặc trái đạo đức nghề nghiệp”.
Luật sư Diệp Năng Bình. |
Tuy nhiên, kể cả trong quá trình khám, chữa bệnh mà tiên lượng bệnh vượt quá khả năng hoặc trái với phạm vi hoạt động chuyên môn của mình thì cũng phải báo cáo với người có thẩm quyền hoặc giới thiệu người bệnh đến cơ sở KBCB khác để giải quyết.
Trong trường hợp này, người hành nghề vẫn phải thực hiện việc sơ cứu, cấp cứu, theo dõi, chăm sóc, điều trị người bệnh cho đến khi người bệnh được chuyển đi cơ sở KBCB khác".
“Phòng khám ĐKQT Thu Cúc hiện nay không ngừng hoàn thiện để phát triển thành một trong các phòng khám hàng đầu Việt Nam, điều này rất đáng trân trọng.
Thế nhưng, có thể thấy dịch bệnh đã xảy ra hơn một năm nay, các triệu chứng của bệnh các y bác sĩ đều nắm rõ. Việc người bệnh đến khám là thể hiện sự tin tưởng vào cơ sở y tế này.
Do đó, trong mọi trường hợp, phòng khám nên linh động giữ người bệnh lại và có các biện pháp xử lý về chuyên môn để phòng tránh sự lây lan dịch bệnh trong cộng đồng là phù hợp với chuyên môn cũng như quy định pháp luật”, luật sư Bình nêu quan điểm.
Liên quan đến vụ việc này, trưa nay (13/5), Sở Y tế TP Hà Nội có quyết định số 2726 đình chỉ hoạt động khám, chữa bệnh đối với Phòng khám ĐKQT Thu Cúc (thuộc Công ty cổ phần Y khoa và thẩm mỹ Thu Cúc) liên quan đến ca bệnh Covid-19.
Quyết định đình chỉ Phòng khám ĐKQT Thu Cúc của Sở Y tế Hà Nội. |
Theo quyết định, Phòng khám ĐKQT Thu Cúc có địa chỉ tại số 216 Trần Duy Hưng, Cầu Giấy, Hà Nội bị đình chỉ hoạt động khám bệnh, chữa bệnh để xác minh và xử lý thông tin liên quan đến quá trình tiếp nhận, xử lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận ngày 12/5.
Tạm đình chỉ hoạt động đồng thời đảm bảo công tác an toàn phòng chống dịch trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh tại phòng khám theo quy định của Bộ Y tế. Phòng khám ĐKQT Thu Cúc không được hoạt động KBCB kể từ ngày 13/5 và chỉ được phép hoạt động trở lại khi có văn bản cho phép của Sở Y tế TP Hà Nội.
Đình chỉ hoạt động Phòng khám Thu Cúc vì từ chối vợ chồng Giám đốc Hacinco
Sở Y tế Hà Nội vừa có quyết định đình chỉ hoạt động đối với phòng khám đa khoa quốc tế Thu Cúc khi có thông tin phòng khám này từ chối khám cho vợ chồng Giám đốc Hacico mắc Covid-19.
Sông Yên