Bắt giam bà Phương Hằng: Lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích... , bà Hằng có thể chịu mức án nào?
Bà Nguyễn Phương Hằng bị Công an TP.HCM khởi tố, bắt tạm giam về hành vi ‘Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân’. Với hành vi này, bà Hằng có thể chịu mức án nào?
Cơ quan công an đọc quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Nguyễn Phương Hằng. (Ảnh: Cổng thông tin Chính phủ) |
Tối 24/3, Cổng thông tin Công an TP.HCM thông báo việc khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và Lệnh bắt tạm giam, Lệnh khám xét đối với Nguyễn Phương Hằng (sinh năm 1971, thường trú 17-19 Ngô Đức Kế, phường Bến Nghé, Quận 1; Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đại Nam) về hành vi “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”, quy định tại Điều 331 Bộ luật Hình sự.
Các Quyết định và Lệnh trên đã được Viện Kiểm sát Nhân dân TP.HCM phê chuẩn.
Theo thông báo của Công an TP.HCM, Nguyễn Phương Hằng đã lợi dụng sức ảnh hưởng của bản thân, sử dụng chức năng của mạng xã hội trên internet, tổ chức nhiều buổi phát trực tiếp nội dung thông tin không kiểm chứng, liên quan đến đời tư của người khác; trong đó sử dụng những ngôn từ mang tính chất nhục mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm.
Quá trình điều tra, Nguyễn Phương Hằng không hợp tác, coi thường pháp luật, nhiều lần tổ chức tập trung nhiều người đến nhà riêng của các cá nhân có mâu thuẫn gây mất an ninh trật tự tại địa bàn TP.HCM và các địa phương khác.
Hiện Công an TP.HCM đang tiếp tục điều tra, làm rõ vụ án để xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Theo một lãnh đạo Công an TP.HCM, các biện pháp tố tụng bước đầu đối với bị can Nguyễn Phương Hằng vừa được thực hiện xong lúc 19h.
Theo luật sư Hoàng Tùng (Trưởng Văn phòng luật sư Trung Hòa, Đoàn Luật sư TP Hà Nội): “Hành vi lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức là hành vi xâm phạm trật tự quản lý hành chính.
Quyền dân chủ chính là những yêu sách, nhu cầu nội tại của mỗi cá nhân, với tư cách là công dân đối với các nguyên tắc, các chuẩn mực pháp lý dân chủ trong một thiết chế xã hội dân chủ nhằm bảo đảm sự tham gia một cách tự do, bình đẳng vào các công việc của Nhà nước. Tuy nhiên, hành vi vượt quá quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức bị pháp luật nghiêm cấm và đặt ra chế tài xử phạt nghiêm khắc.
Trong vụ việc này, hành vi bị can Nguyễn Phương Hằng lợi dụng quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí dùng mạng xã hội livestream (phát trực tiếp) tố nhiều nghệ sĩ ăn chặn tiền quyên góp cho đồng bào miền Trung bị ảnh hưởng bởi lũ lụt năm 2020 có thể được xác định là hành vi đả kích, lăng mạ, bôi nhọ, nói xấu, xúc phạm danh dự, nhân phẩm cá nhân''.
Theo luật sư, chưa thể xác định động cơ bị can thực hiện hành vi, nhưng có thể xác định rằng lỗi cố ý đối với hành vi của bị can. Khung hình phạt tội ''Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân'' được xác định theo hai khung.
Tại Điều 331 Bộ luật Hình sự 2015 quy định cụ thể về mức phạt với Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân như sau:
1. Người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
Tiến Dũng - Triệu Trang
Công an TP.HCM bắt tạm giam bà Nguyễn Phương Hằng
Công an TP.HCM đã khởi tố, bắt tạm giam bà Nguyễn Phương Hằng - tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đại Nam về tội lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích của cá nhân.