Đổi giờ: Lãnh đạo ngành giao thông, CSGT lên tiếng
Đổi giờ: Lãnh đạo ngành giao thông, CSGT lên tiếng
Đổi giờ học, giờ làm khiến giao thông Hà Nội thông thoáng hơn hay sự thông thoáng vài ngày gần đây là nhờ ăn may khi người dân về quê nghỉ Tết vẫn chưa về Hà Nội?
Cận cảnh giao thông Hà Nội trước và sau đổi giờ
Học sinh thấp thỏm, đi muộn ngày đầu đổi giờ
Đổi giờ: "Sát nút" vẫn không được báo?
Nhiều ý kiến được đưa ra, song thời điểm này vẫn chưa đủ căn cứ để đánh giá kết quả.
Theo ghi nhận của phóng viên trong hai ngày đầu thực hiện phương án thay đổi giờ, tình hình giao thông Hà Nội có chuyển biến ít nhiều so với trước đây. Tình trạng ùn tắc giao thông vẫn diễn ra vào những múi giờ cao điểm nhưng không kéo dài so với trước.
Tuy nhiên, sau hai ngày thực hiện phương án đổi giờ học, giờ làm, nhiều ý kiến cho rằng nếu đánh giá kết quả về việc đổi giờ học, giờ làm lúc này là quá sớm, vì đối tượng tham gia giao thông ở Hà Nội còn “vắng” quá nhiều.
![]() |
Đổi giờ nhiều đường vẫn ùn tắc. Ảnh LD |
Trao đổi với PV báo điện tử Infonet, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam phân tích, đến thời điểm này đối tượng tham gia giao thông ở Hà Nội còn ít hơn so với thực tế. Điển hình là nhóm đối tượng sinh viên, người lao động ngoại tỉnh chưa về Hà Nội. Mặt khác việc thực hiện đổi giờ làm vào đúng thời điểm trời mưa nên lượng phương tiện lưu thông trên đường cũng ít đi.
“Phải qua rằm tháng giêng sinh viên, học sinh ở các tỉnh mới trở lại Hà Nội đầy đủ. Lúc đó mới đủ cơ sở đánh giá kết quả của phương án đổi giờ học, giờ làm. Nhưng sau hai ngày thực hiện tôi thấy có chỗ đường thông thoáng, nhưng chỗ khác lại xuất hiện ùn tắc” – ông Hùng nói.
Có cùng quan điểm trên, Đại tá Nguyễn Duy Ngọc - Trưởng phòng Cảnh sát giao thông – Công an Hà Nội cũng cho rằng, do lượng người tham gia giao thông không nhiều nên chưa phản ảnh đúng thực trạng trong vài ngày đầu đổi giờ học, giờ làm. Vì lượng người lao động ngoại tỉnh chưa về, số sinh viên sau kỳ nghỉ Tết chưa lên hết và chưa đến trường nên không thể chủ quan vội đánh giá.
Ngoài ra phải kể đến lý do khác là mấy ngày đầu đổi giờ làm, trên các tuyến đường được bố trí rất đông lực lượng làm nhiệm vụ nên mới không xảy ra ùn tắc kéo dài. Cụ thể, Phòng CSGT đã bố trí 151 cán bộ, chiến sĩ chốt trực tại 73 nút giao thông thường xuyên xảy ra ùn tắc. Đồng thời, kết hợp với 84 cán bộ chiến sĩ làm nhiệm vụ tuần tra, xử lý vi phạm trên 16 tuyến đường.
Khá tự tin với kết quả ban đầu, ông Nguyễn Xuân Tân, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, phương án đổi giờ đã khiến giờ cao điểm nới rộng ra. Vì thế khi đổi giờ, vào giờ cao điểm tình hình giao thông khá thông thoáng, ách tắc có xảy ra nhưng không kéo dài như trước. Nếu lượng người tham gia giao thông có tăng thêm cũng không đáng ngại.
![]() |
ĐỔi giờ, nhiều đường có vẻ thông thoáng hơn. Ảnh LD |
Ông Tân cũng cho rằng, phương án đổi giờ học, giờ làm đã được bàn bạc kỹ lưỡng. Vì vậy không có chuyện các trường thực hiện hay không thực hiện mà đây là pháp lệnh buộc các trường phải chung tay cùng thành phố gỡ rối cho giao thông Thủ đô. Nếu các trường không điều chỉnh giờ học theo quy định sẽ bị xử lý nghiêm.
Chia sẻ về sự vất vả của đội ngũ giáo viên, ông Tân cho biết, không chỉ các thầy cô giáo làm việc thêm giờ mà lực lượng cảnh sát, thanh tra giao thông cũng phải làm việc thêm hai tiếng một ngày.
Phân tích về vấn đề dạy và học, ông Hùng cho rằng khi thực hiện đổi giờ, nhóm sinh viên phần lớn ở ngoại tỉnh nên không bị ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt. Nhưng nhóm học sinh phổ thông đang ghánh chịu hệ quả khá nặng khi phải đi học sớm, về học muộn. Cuộc sống của giáo viên, học sinh và rất nhiều gia đình sinh sống ở Hà Nội bị đảo lộn.
Trước thực tế đó ông Hùng kiến nghị nên đưa nhóm học sinh THPT quay lại múi giờ học như trước đây.
Nguyễn Dũng