Dốc, vác người đuối nước chạy vòng quanh: Cách sơ cứu sai lầm
Vác người đuối nước lên vai chạy vòng quanh, ép bụng cho nước chảy ra là các biện pháp sơ cứu đuối nước trong dân gian nhưng lại phản khoa học, tác dụng ngược.
Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến – Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố Hồ Chí Minh cho biết vào lúc 14 giờ 17 phút, 22/10/2020, Khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố tiếp nhận một trường hợp L. Ng. N. Ph. 14 tuổi bị đuối nước ở bể bơi.
Bệnh nhi ngụ ở quận Bình Tân, thành phố Hồ Chí Minh được đưa vào cấp cứu trong tình trạng nguy kịch.
Được biết, trưa cùng ngày nhập viện, Ph. cùng với hai bạn cùng trang lứa đến một hồ bơi ở Bình Chánh để bơi tắm, bị trượt chân ở vùng nước sâu (khoảng 2m). Cứu hộ viên hồ bơi phát hiện trong vòng 5 phút, trẻ được vớt lên trong tình trạng tím tái, không thở, được hô hấp nhân tạo cho trẻ, ấn tim, thổi ngạt, đồng thời gọi cấp cứu 115. Sau khi xe cấp cứu đến, bệnh nhân được đặt nội khí quản giúp thở, thiết lập đường truyền, hồi sức tim phổi, trẻ có tim đập trở lại, sau đó chuyển đến Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố.
Tại đây, ghi nhận trẻ hôn mê, tím tái, mạch nhẹ khó bắt, huyết áp khó đo, co gồng từng cơn, phù phổi cấp, bọt hồng trào ra ống nội khí quản, nên được xử trí thở máy, chống co giật, đặt catheter đo huyết áp xâm lấn, đo áp lực tĩnh mạch trung tâm để hướng dẫn xử dụng thuốc vận mạch, điều chỉnh nước điện giải và cho kháng sinh điều trị viêm phổi hít. Tình trạng còn diễn tiến nặng, được tiếp tực hồi sức hô hấp, hỗ trợ tuần hoàn, chống co giật, chống phù não.
Việt Nam là nước có tỷ lệ tử vong do đuối nước cao nhất khu vực và cao gấp 10 lần các nước phát triển, với khoảng trên 3.000 ca tử vong do đuối nước được ghi nhận mỗi năm. Đáng lưu ý trên 50% các trường hợp đuối nước xảy ra khi trẻ tắm ở ao, hồ, sông, suối và tắm biển không có người lớn đi kèm.
Thời gian vàng để cứu sống trẻ bị đuối nước, đó chính là lúc sơ cứu trẻ. Vậy mà trong dân gian vẫn còn tồn tại những cách sơ cứu sai lầm khiến trẻ bớt đi cơ hội sống.
Bác sĩ Ngô Anh Vinh – Khoa Cấp cứu và Chống độc, Bệnh viện Nhi trung ương cho biết hàng năm nhất là về mùa hè trẻ nhập viện do đuối nước tăng lên đột biến. Đa phần ở các trẻ đi bơi lội không được giám sát.
Dốc, vác người đuối nước chạy vòng quanh: Cách sơ cứu sai lầm |
Bác sĩ Vinh cho biết tại Bệnh viện Nhi trung ương, khi tiếp nhận hầu hết bệnh nhân được sơ cứu ở cơ sở, cộng đồng nhưng vấn đề sơ cứu sai. Tỷ lệ sơ cứu tại cộng đồng vẫn là dùng tay ép bụng trẻ gây nôn, bế dốc trẻ lên chạy nhiều vòng là cách sơ cứu sai lầm.
Theo BS Vinh, khi thực hiện động tác dốc ngược nạn nhân lên chạy mà dân gian vẫn làm là không đúng mà còn làm mất thời gian để cấp cứu nhân tạo cho nạn nhân.
Khi bế vác dốc ngược chạy quanh còn có thể nạn nhân bị chấn thương cổ dẫn đến tình trạng còn nặng hơn.
Đây là giai đoạn người đuối nước cần hỗ trợ về hô hấp thì nhanh chóng hô hấp nhân tạo bằng hà hơi thổi ngạt để có oxy. Khi dốc ngược thức ăn có thể trào ngược lại nguy hiểm hơn. Các dịch trong đường tiêu hóa chảy vào hô hấp thì người ngạt càng nặng hơn.
Sai lầm thứ hai ấn bụng để nạn nhân nôn ra ngoài. Nếu sơ cứu như thế này khiến thức ăn trong dạ dày đẩy lên trên gây trào ngược và thức ăn vào đường mũi, miệng có thể làm tắc đường thở của nạn nhân.
Bác sĩ Vinh cho biết thời gian vàng cấp cứu đuối nước chỉ có 3 đến 5 phút. Việc ép tim, hà hơi, thổi ngạt cần phải kiên trì. Nhiều người thấy chưa có kết quả thì đã dừng việc sơ cứu này, sau đó vác ngược bệnh nhân lên. Đây là sai về kỹ thuật và kiến thức sơ cứu người đuối nước.
Khi cấp cứu đuối nước đầu tiên là nên phát hiện sớm, xử trí đúng kỹ thuật. Đầu tiên phải thổi ngạt, ép tim và gọi người cứu trợ sớm, sau đó gọi 115.
Sơ cứu rất quan trọng vì nếu thiếu oxy thì sẽ tổn thương tế bào não. Càng lâu thì tỷ lệ tử vong càng cao. Nếu cứu được thì di chứng càng nặng nề.
Khánh Chi