Độc đáo lễ hội chùa Vua: Nơi các kì thủ so tài cao thấp
Đầu Xuân, có hàng vạn lễ hội diễn ra trên khắp cả nước, tuy nhiên những lễ hội đặc thù thi đấu cờ tướng như Lễ hội chùa Vua (mùng 8 Tết Âm lịch hàng năm) thì lại rất độc đáo, hấp dẫn và ít nơi có được.
Một lễ hội độc đáo
Kiện tướng quốc gia Vũ Huy Cường cho biết: Thực tế, chùa Vua là tên gọi chung của chùa Hưng Khánh, điện Thiên đế thờ Đế Thích, đền thờ Trần Hưng Đạo và điện mẫu của làng Thịnh Yên, tổng Hậu Nghiệm, huyện Thọ Xương ( nay chính là phố Thịnh Yên, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội).
Quần thể di tích chùa Vua cũng như bao cụm di tích khác của đồng bằng Bắc Bộ, nhưng nơi đây vào các lễ hội hàng năm thường diễn ra các cuộc đấu cờ tướng (kỳ) được bảo tồn suốt mấy trăm năm qua. Và đây cũng chính là lí do để người yêu cờ tướng nói riêng, người dân Hà Nội nói chung biết đến chùa Vua nhiều hơn.
Lễ hội chùa Vua diễn ra từ ngày mùng 6 đến ngày mùng 9 tháng Giêng hàng năm, nơi quy tụ hàng trăm kì thủ cờ tướng đến tranh tài. |
Còn theo các nhà nghiên cứu văn hóa, rất nhiều nơi ở Việt Nam cũng tổ chức thi đấu cờ tướng trong các lễ hội. Tuy nhiên, riêng tại chùa Vua (ở số 17 Thịnh Yên, phường Phố Huế, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) – nơi thờ Đế Thích (vị thần cao cờ nhất và được xem là vua cờ) luôn mang đến cho người xem những trải nghiệm thú vị qua các năm. Sân chơi này luôn là kỳ đài (sàn đấu cờ) có uy tín, hàng năm phát hiện ra các kỳ thủ (người chơi cờ) trẻ bổ sung cho các đội tuyển cờ tướng quốc gia tham gia các giải đấu lớn quốc tế.
Trận chung kết thường diễn ra vào chiều mùng 8 tháng Giêng, để chọn ra người vô địch (hay còn gọi là người phá giải). |
Có rất nhiều điểm thú vị tại Lễ hội chùa Vua như: Lễ hội (phần thi đấu cờ tướng) diễn ra khá… trật tự, chứ không hề náo nhiệt như bao lễ hội Xuân. Điều này cũng hoàn toàn trái ngược với không khí xung quanh chùa Vua – vốn là chợ Trời – với cảnh mua bán xô bồ, tấp nập hàng ngày. Vâng “tĩnh trong động, động trong tĩnh” dường như hội tụ đủ cả nơi đây và cũng là điều mà các kì thủ đều phải nằm lòng nếu như muốn bước chân vào chơ môn thể thao trí tuệ cá nhân này.
Để chọn ra được 2 kì thủ vào chung kết, trước đo các trận đấu vòng bảng đã diễn ra kịch tính. Có những trận vòng loại phải đánh tới tận tối mịt mới phân tranh được thắng bại. |
Ngược dòng lịch sử, thi đấu cờ tướng tại chùa Vua đã có lịch sử hơn 500 năm. Cụ thể, vào thời Lê (1428 – 1527), khu vực chùa Vua là làng Thịnh Yên vốn là cung Thừa tướng, xung quanh có hồ nước và cây cối xanh tươi tỏa bóng mát. Làng Thịnh Yên vốn có truyền thống chơi cờ tướng lâu đời và cũng có nhiều kì thủ giỏi. Do vậy, hội cờ làng Thịnh Yên thu hút nhiều danh kỳ và bà con hâm mộ cờ tướng về dự hội cờ. Và để tỏ lòng biết ơn vua cờ Đế Thích, dân làng nơi đây quyết định quyên góp xây dựng một đền thờ Vua cờ Đế Thích ngay cạnh chùa Hưng Khánh, biến chùa Vua trở thành “đấu trường” cờ tướng danh tiếng bậc nhất kinh thành Thăng Long.
Nơi các kì thủ so tài cao thấp
Lễ hội chùa Vua được tổ chức hàng năm vào các ngày 6, 7, 8 và 9 tháng Giêng. Trong đó, riêng phần thi đấu cờ tướng thường được “chốt” vào cuối ngày mùng 8 với trận chung kết giữa 2 kì thủ giỏi nhất, sau khi đã “qua bao cửa ải, chém bao bại tướng”. Và ai giành được phần thắng chung kết, ấy là người phá giải cờ. Do là sân chơi dân gian, nên hội cờ không phân biệt chuyên nghiệp và nghiệp dư, vì thế lễ hội luôn thu hút được hàng trăm kì thủ là những “ngôi sao đang lên” cho tới các vận động viên cờ tướng quốc gia tới tỉ thí, so tài.
Vì là môn thể thao trí tuệ, đối kháng cá nhân nên các trận chiến "bão bùng" thể hiện qua cách xuất quân thần tốc, đôi công xô xát, ra đòn độc đáo kết liễu đối phương trên bàn cờ. Trong khi xung quanh bàn cờ thì thường tĩnh lặng, đôi khi tới mức người không hiểu cảm thấy... nhàm chán. |
Do là môn thi đấu đối kháng, cờ tướng cũng bình dân và không kén người chơi nhưng để chơi giỏi thì… khó vô cùng. Riêng tại chùa Vua trước kia ở cổng điện Thiên Đế (tức Đế Thích) có một tấm bia đắp bằng gạch dùng để vinh danh những người thắng cờ. Do bia rất nhỏ, nên chỉ có ai thắng liền ba năm liên tiếp mới được khắc tên trên “bia vàng” này. Tuy nhiên, do thăng trầm của lịch sử và biến động của thời cuộc tấm bia này đã không còn.
Chưa rõ giải Xuân Kỷ Hợi ai sẽ lên ngôi (kết quả có vào tối mịt ngày 8 tháng Giêng), nhưng các trận đấu vòng bảng khốc liệt báo hiệu ngôi vương giải chùa Vua 2019 chắc chắn sẽ đổi chủ. |
Chia sẻ thêm về lễ hội chùa Vua, anh Nguyễn Thành Trung – Admin diễn đàn và Fanpage Thăng Long Kỳ đạo (có tới hàng vạn thành viên) cho biết: Sau thành công của các giải đấu cờ trên truyền hình như Trạng cờ Quý Tỵ, Trạng cờ Đất Việt… thì phong trào chơi cờ tướng ở Việt Nam đang lên rất cao. Quan niệm cờ tướng là môn chơi vỉa hè (thường được đánh ở vỉa hè), dành cho người già và người vô công dồi nghề đã thay đổi. Rất nhiều lớp học dạy cờ tướng cho trẻ em và cả người lớn (kể cả học online) rất phát triển, báo hiệu cho sự khởi sắc của môn thể thao trí tuệ này.
Là giải đấu của lễ hội dân gian nên các kì thủ giang hồ đều rất hứng khởi tranh tài cũng các kiện tướng. Trong ảnh là Hương Ngỗng (đội mũ bên trái), một kì thủ vốn được dân cờ yêu mến do có những nước đi biến hóa, bỏ quân tranh tiên, tấn công sát cục rất đẹp mắt. |
“Sau các giải đấu Văn Miếu (mùng 3 Tết), Sơn Tây (Mùng 5 Tết) thì vẫn như mọi năm, những cái tên như Chiến đen, Hương ngỗng… cũng đã đều quy tụ tham gia giải chùa Vua xuân Kỷ Hơi 2019. Chúng tôi rất chờ đón những bứt phá của các kì thủ trẻ, những hảo thủ mới và những nhân tố bất ngờ sẽ giành được quán quân của giải cờ giang hồ uy tín bậc nhất này”, anh Trung cho biết thêm.