Doanh nghiệp trông chờ 'cuộc cách mạng’ trong thủ tục xuất nhập cảnh

Sau nhiều trông đợi, Chính phủ đồng thuận sửa đổi chính sách visa theo hướng mở rộng danh sách các nước được miễn thị thực điện tử, tăng thời hạn lưu trú cho khách ngoại. Doanh nghiệp cho rằng đây sẽ là cuộc cách mạng trong thủ tục xuất nhập cảnh.

Miễn visa càng nhiều, làm càng sớm càng tốt

Liên quan đến Kết luận của Thường trực Chính phủ về việc thống nhất sửa đổi chính sách visa, ông Phạm Văn Thủy, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, đánh giá, việc mở rộng đối tượng miễn visa và kéo dài thời gian lưu trú là cơ hội tuyệt vời cho các DN kinh doanh du lịch phát triển du lịch bền vững, không chỉ giai đoạn phục hồi và còn về lâu dài.

Đây cũng là cơ hội để du lịch Việt Nam cạnh tranh lành mạnh với các nước trong khu vực, để khách quốc tế sẵn sàng đến Việt Nam hoặc đến từ nước khác sau đó vào Việt Nam mà không gặp rào cản nào. 

Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, nhận xét, đây là cuộc “cách mạng” liên quan đến thủ tục xuất, nhập cảnh. Việc Chính phủ có chủ trương giao các Bộ Công an, Ngoại giao,... triển khai các thủ tục, hoàn thiện hồ sơ đề xuất một số chính sách mới liên quan đến thị thực là sự mong chờ từ rất lâu của các DN. Không chỉ tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cần để khách quốc tế vào Việt Nam, chính sách visa cởi mở còn giúp nâng cao khả năng cạnh tranh về điểm đến, cạnh tranh quốc gia của Việt Nam.  

Mục tiêu đón 8 triệu lượt khách quốc tế của Việt Nam trong năm nay hoàn toàn khả thi (Ảnh: O’Gallery Lotus Cruise)
Về điều kiện đủ, ông Cao Trí Dũng lưu ý, là Việt Nam cần có hệ sinh thái sản phẩm, của DN, các địa phương trong tổng thể hệ sinh thái quốc gia. Sản phẩm đó phải mới, đáp ứng được yêu cầu về số lượng, chất lượng, quan trọng là bắt kịp được nhu cầu của khách quốc tế sau đại dịch. Ngoài ra, việc xúc tiến quảng bá cần hiệu quả hơn.

Cho rằng việc sửa đổi chính sách visa lần này là “đúng điểm rơi”, ông Dũng tự tin du lịch Việt Nam năm nay sẽ đột phá, tạo đà để năm 2024 có thể cán mốc 18 triệu lượt khách quốc tế, như trước đại dịch (năm 2019).

Chia sẻ với PV. VietNamNet, lãnh đạo một DN chuyên đón khách inbound tại Hà Nội (đề nghị giấu tên) cũng cho hay, chủ trương sửa đổi chính sách visa là rất tốt, được các DN du lịch chào đón. Việc này cần được làm sớm hơn. Bởi lẽ, đây vốn được coi là rào cản khiến khách không muốn đến, không muốn quay trở lại Việt Nam. "Việc xin visa không hề dễ dàng, với những thủ tục rắc rối làm phát sinh chi phí, mất thời gian, mất cơ hội đi du lịch của khách có nhu cầu đi ngay", ông nói.

Trong khi đó, việc khách quốc tế vào Việt Nam tiêu tiền, đặc biệt là khách chi trả cao, mang lại lợi ích lớn hơn rất nhiều cho đất nước, từ hàng không, lưu trú, nhà hàng, đến cả người nông dân sản xuất lương thực thực phẩm... Tất cả đều được hưởng lợi, ông khẳng định. 

Ông Phạm Hà - Chủ tịch Lux Group, cũng cho rằng, đây là những chính sách mà các DN du lịch, lữ hành vẫn "ngày đêm mong mỏi".

"Việc kéo dài thời gian của thị thực điện tử lên 90 ngày hay nâng thời gian lưu trú với khách quốc tế lên 45 ngày là rất tốt và phù hợp với tình hình hiện tại, khi chúng ta đang tập trung phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn", ông Hà nói.

Nên mở rộng diện miễn visa đơn phương

Bày tỏ sự vui mừng nhưng cũng không ít ý kiến cho rằng, sau những nỗ lực của Chính phủ và các bộ ngành về cải tiến chính sách visa, thì một trong những nội dung được ngành du lịch trông đợi là mở rộng danh sách các quốc gia được miễn visa đơn phương. 

Hiện nay, Việt Nam mới chỉ miễn thị thực cho công dân 24 quốc gia theo hình thức đơn phương và song phương, chỉ bằng 1/3 số quốc gia được miễn thị thực khi vào Thái Lan, 1/5 của Malaysia, 1/6 của Indonesia và chưa bằng 1/7 của Singapore.

Có ý kiến đề xuất nên miễn visa đơn phương cho ít nhất 80 quốc gia đang nằm trong danh sách được cấp evisa, đặc biệt là các quốc gia Trung Đông.

 Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về du lịch năm 2023 do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì ngày 15/3, ngoài việc mở rộng thời gian lưu trú cho khách được cấp thị thực điện tử, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt đã kiến nghị Chính phủ xem xét mở rộng diện áp dụng của chính sách miễn thị thực, ưu tiên đối tác có trình độ phát triển tương đồng hoặc cao hơn Việt Nam như các nước Mỹ La-tinh, Qatar, Kazakhstan, Mông Cổ, Maldives…

Tuy nhiên, đến nay, nội dung mở rộng các nước miễn thị thực đơn phương và song phương vẫn chưa nằm trong các nội dung Chính phủ đệ trình Quốc hội vào kỳ họp sắp tới.

Vị CEO công ty lữ hành inbound trên phân tích, ở đây cần đặt vấn đề: mình cần người ta hay người ta cần mình? “Nếu du lịch cần khách đến, có lợi cho toàn dân thì nên cân nhắc, bởi thử hỏi bao nhiêu phần trăm người dân Việt Nam có thể đi du lịch nước đó? Ở góc độ khác, từ việc hào phóng miễn thị thực với một quốc gia, họ cũng sẽ xem xét miễn visa cho công dân Việt Nam trên nguyên tắc có đi có lại”, ông góp ý.

Ông đề xuất, nên ưu tiên miễn thị thực đơn phương cho các thị trường khách tiềm năng, đi du lịch dài ngày, chi tiêu cao, như tệp khách châu Âu. Trừ những quốc gia có yếu tố an ninh cần xét duyệt visa, còn miễn được càng nhiều càng tốt, được thực thi càng sớm càng tốt. Đây cũng là yếu tố kéo khách quay trở lại Việt Nam. Theo ông, 1 khách đến 1.000 lần còn hơn 1.000 khách đến Việt Nam chỉ 1 lần.

Dưới góc độ DN, ông Cao Trí Dũng kiến nghị nên mở rộng diện miễn visa đơn phương cho các nước có tiềm năng, lượng khách đông và ngay lập tức có thể tăng lượng khách như Trung Đông, Ấn Độ,... một số nước khách chi tiêu cao như Tây Âu, Úc, New Zealand.

Văn phòng Chính phủ ngày 25/3 vừa có thông báo Kết luận của Thường trực Chính phủ tại cuộc họp liên quan đến việc miễn visa đơn phương của Việt Nam cho công dân các nước và một số chính sách mới trong lĩnh vực quản lý xuất nhập cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Có ba nội dung quan trọng liên quan đến đổi mới chính sách thị thực, đó là: Cấp thị thực điện tử cho công dân tất cả các nước và vùng lãnh thổ; nâng thời hạn cấp chứng nhận tạm trú tại cửa khẩu cho người nhập cảnh theo diện đơn phương miễn visa từ 15 ngày lên 45 ngày; đặc biệt, kéo dài thời hạn thị thực điện tử (evisa) cấp cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam từ 30 ngày lên không quá 90 ngày, có giá trị một lần hoặc nhiều lần. 

Chính phủ yêu cầu các Bộ báo cáo để trình Quốc hội xem xét, đưa vào nghị quyết chung của Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 (tháng 5) tới.

Ngọc Hà

Diễn biến mới vụ 2 khách hàng tố mất hàng chục tỷ đồng tại MSB

Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng (NHNN) đã chuyển đơn kiến nghị, phản ánh của hai khách hàng vụ mất hàng chục tỷ đồng khi gửi tiền tại MSB Chi nhánh Thanh Xuân đến Ngân hàng MSB.

Agribank lần thứ 9 liên tiếp được vinh danh giải thưởng Sao Khuê

Vượt qua nhiều giải pháp, 2 hệ thống/sản phẩm của Agribank được vinh danh tại giải thưởng Sao Khuê 2024, đánh dấu lần thứ 9 liên tiếp (2016-2024) Agribank nhận giải thưởng này.

Cơ chế giá điện 2 thành phần là công bằng hơn giá điện 1 thành phần

Hiện Việt Nam áp dụng biểu giá điện 1 thành phần, tức là biểu giá điện tính theo điện năng. Trong khi đó, nhiều nước trên thế giới đang áp dụng giá điện 2 thành phần.

Bảo hiểm FWD gây ấn tượng với thông điệp truyền cảm hứng mới

Mới đây, FWD Việt Nam tiếp tục chứng minh sức mạnh vượt trội trong cách khai thác thông điệp cùng hình tượng sáng tạo nhưng gần gũi thông qua chiến dịch thương hiệu mới “Sống đầy cùng FWD Bảo hiểm dễ hiểu” (Time to play).

Agribank dành 10.000 tỷ đồng cho vay ngắn hạn, lãi suất chỉ từ 4,0%/năm

Khách hàng cá nhân có nhu cầu vay tiêu dùng như: mua nhà, sửa nhà, mua xe… có thể tiếp cận nguồn vốn 10.000 tỷ đồng của Agribank, với lãi suất chỉ từ 4,0% /năm.

Xóa độc quyền vàng miếng, giá vàng SJC sẽ lập tức giảm mạnh

Theo các chuyên gia, chỉ cần Ngân hàng Nhà nước xóa bỏ độc quyền sản xuất vàng miếng, chưa cần đến việc cho nhập khẩu vàng hay không thì giá vàng sẽ lập tức giảm đến 5 triệu đồng mỗi lượng.

Vụ thẻ tín dụng 8,5 triệu thành 8,8 tỷ: Eximbank nói cán bộ xử lý quá máy móc

Theo lãnh đạo Ngân hàng Eximbank, cán bộ xử lý thẻ phải căn cứ vào vụ việc, đề xuất mức thu lãi, báo cáo lãnh đạo trước khi làm việc với khách hàng. Nhưng cán bộ đã quá máy móc khi gửi thông báo đến cho khách mà chưa báo cáo lãnh đạo.

Nợ thẻ tín dụng 8,5 triệu thành 8,8 tỷ: Ngân hàng có buộc phải xóa nợ?

Vụ việc khách hàng của Eximbank là anh P.H.A nợ thẻ tín dụng 8,5 triệu đồng thành 8,8 tỷ đồng vẫn chưa ngã ngũ. Nếu 2 bên không có tiếng nói chung, một bên không trả nợ, một bên không sửa trên hệ thống thì khoản nợ mãi treo lơ lửng.

Nợ thẻ tín dụng 8,5 triệu thành 8,8 tỷ: Cần biết để không 'lụt nợ' vì thẻ

Vụ nợ thẻ tín dụng 8,5 triệu bị biến thành món nợ 8,8 tỷ gây nhiều tranh cãi. Nợ xấu để lại hệ luỵ cho cả người vay lẫn ngân hàng. Chủ thẻ tín dụng cần lưu ý gì để không phải rơi vào tình huống bị đòi những khoản nợ không tin nổi?

Sự thật vụ 'quên' trả nợ thẻ tín dụng 8,5 triệu, sau 11 năm thành 8,8 tỷ

Vụ việc xảy ra ở Quảng Ninh đang gây 'sốc'. Khách hàng vay thẻ tín dụng 8,5 triệu đồng nhưng không đóng lãi nhiều năm. Đến nay, cả gốc lẫn lãi lên đến 8,8 tỷ đồng.