Điều hành "lệch pha" và chuyện cứu hỏa
Điều hành "lệch pha" và chuyện cứu hỏa
“Những tác động trái chiều như vậy khiến DN rất khó xoay xở, mặt bằng lãi suất dù có muốn giảm nhanh cũng rất khó” – đại diện NHNN nói tại hội thảo “Phối hợp chính sách tài khóa và tiền tệ trong điều tiết kinh tế vĩ mô” do Viện Chiến lược & Chính sách tài chính (Bộ Tài chính) và Viện Chiến lược Ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước) phối hợp thực hiện mới đây.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng "Chính sách tiền tệ và tài khóa phải đồng nhịp hơn, chứ đừng theo kiểu gây cháy rồi lại đi chữa cháy. Chữa xong rồi thì quay ra kể công thành tích”.
Chính sách tài khóa và tiền tệ nhiều thời điểm chưa "ăn khớp" với nhau |
Về cơ bản bà Lan cho rằng, chính sách tiền tệ và tài khóa thời gian qua đã đạt được sự nhất quán trong điều hành, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Tuy nhiên, bài học nhãn tiền về sự phối hợp thiếu nhịp nhàng giữa hai chính sách của những năm 2008-2011 vẫn còn nguyên đó. Chính sự “lệch pha” thiếu đồng bộ đã dẫn tới hệ lụy là làm phát tăng cao ở mức hai con số liên tiếp trong 4 năm (năm 2008 là 20%, năm 2010 là 11,75% và năm 2011 lên tới 18,13%).
Còn trong bối cảnh hiện tại, bài toán đặt ra là hai chính sách tài khóa – tiền tệ phải cùng hướng tới mục tiêu chung là làm sao tháo gỡ khó khăn cho các DN. Nhưng, cách vận hành hai chính sách này thế nào để tạo sự nhịp nhàng, ăn khớp lại không hề dễ dàng.
Thừa nhận những “lệch pha” trong điều hành giữa chính sách tiền tệ và tài khóa, ông Đào Minh Tú – Chánh văn phòng Ngân hàng Nhà nước cho rằng, đôi lúc trong điều hành giữa hai chính sách này chưa “ăn dơ” với nhau, lúc chính sách tiền tệ quá chặt, thì tài khóa lại nới rộng quá, ngược lại lúc tín dụng mở rất nhanh thì tài khóa lại “khép cửa”. “Liều lượng và mức độ sử dụng các công cụ chính sách trong từng thời kỳ, giai đoạn chưa tạo ra sức mạnh kết hợp tổng thể” – ông Tú đánh giá.
Đơn cử như, trong lúc NHNN đưa ra gói hỗ trợ tín dụng cho DN nhằm giảm nhanh mặt bằng lãi suất thì tài khóa lại đi ngược chiều, khi tăng giá một loạt các mặt hàng thiết yếu như điện, xăng dầu… “Những tác động trái chiều như vậy khiến DN rất khó xoay xở, mặt bằng lãi suất dù có muốn giảm nhanh cũng rất khó” – đại diện NHNN nói thêm.
Chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Thị Hiền cũng tỏ ra chưa thực sự hài lòng với sự phối hợp giữa chính sách tài khóa và tiền tệ thời gian qua. Nêu ra bài học từ vụ vỡ nợ của Công ty Thủy sản Bình An, TS. Hiền cho rằng, đây là bài học lớn về thực tế vay tín dụng do chính sách tiền tệ quá thắt chặt, trong khi tài khóa lại có phần "lỏng".
Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia Hà Huy Tuấn thẳng thắn, các chính sách phải rõ ràng, minh bạch và tạo sự đồng thuận trong dân. Nếu không đủ lòng tin thì sẽ dẫn tới những suy diễn tiêu cực, sẽ cực kỳ nguy hiểm. Ví như với các mặt hàng nhạy cảm như xăng, dầu, điện nếu cơ quan quản lý tách bạch chi phí, công thức tính thì sẽ không có những phản ứng dữ dội từ dư luận mỗi lần nhà điều hành muốn tăng – giảm giá. “Tôi vừa là dân tài chính, kế toán mà nhiều lúc cũng thấy hoa mắt với cách tính giá xăng dầu hiện nay” – ông Tuấn bày tỏ.
Tháng 2 vừa qua NHNN và Bộ Tài chính đã ký quy chế về phối hợp công tác và trao đổi thông tin. Song, đại diện NHNN đề xuất, từ nay đến năm 2020, cần thiết lập cơ chế trao đổi thông tin thường xuyên hơn, thiết lập cơ chế tham vấn giữa các đơn vị chức năng của NHNN và Bộ Tài chính từ cấp chuyên viên đến cấp vụ, cục… trong quá trình xây dựng ban hành thực thi cơ chế chính sách.
Linh Anh