Điều cần biết khi thí sinh muốn “đầu quân” vào Học viện Báo chí và Tuyên truyền năm 2020
Thông tin cách tính điểm môn năng khiếu, dự kiến điểm chuẩn và các lưu ý xét tuyển vào Học viện Báo chí và Tuyên truyền năm 2020 sẽ được TS. Nguyễn Thị Thu Thủy – Phó trưởng Ban quản lý đào tạo nhà trường giải đáp cho thí sinh.
Ảnh minh họa |
Về thắc mắc có thể học song song báo chí và kinh doanh hay không, TS. Nguyễn Thị Thu Thủy cho biết: Hiện tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền đang đào tạo theo tín chỉ nên sinh viên có thể học song song hai chương trình đào tạo.
Các em sẽ được học báo chí chuyên sâu về lĩnh vực và kỹ năng làm báo để có thêm cơ hội trở thành nhà báo giỏi. Nếu hết học kỳ I tại Học viện báo chí mà đạt yêu cầu, sinh viên có thể học chương trình thứ 2 như truyền thông đa phương tiện hay những chuyên ngành khác tại trường… Trong khoảng 1,5 năm đầu tiên chương trình đào tạo nền tảng cơ bản hình thành thế giới quan, tư duy là giống nhau giữa các khoa. Học viện Báo chí cũng đào tạo chuyên ngành về kinh tế.
“Chúng tôi có chuyên ngành kinh tế chính trị, quản lý kinh tế nên có thể thỏa mãn đam mê vừa làm báo vừa muốn kinh doanh của thí sinh. Còn nếu sinh viên muốn vừa học ở Học viện Báo chí vừa học ở một trường đại học khác song song là điều không thể. Bởi vì theo quy chế của Bộ GD&ĐT, khi nhập học thí sinh phải nộp hồ sơ, giấy chứng nhận tốt nghiệp THPT duy nhất cho trường”, TS. Nguyễn Thị Thu Thủy cho hay.
Liên quan đến môn thi năng khiếu báo chí năm nay, TS. Nguyễn Thị Thu Thủy cho biết: Năm nay có sự thay đổi về cách tính điểm. Cụ thể, điểm thi môn năng khiếu báo chí mọi khi chỉ chiếm tỷ lệ 1/3 nhưng năm nay nhân hệ số 2 trong tổng số điểm xét tuyển. Điều này sẽ tạo thêm nhiều cơ hội cho sinh viên thực sự có năng khiếu.
Đề thi môn năng khiếu năm 2020 không có nhiều khác biệt, mục đích là tìm ra tố chất thích hợp của sinh viên báo chí tương lai. Cấu trúc đề thi năng khiếu tất cả chuyên ngành đều có 1 bài trắc nghiệm với 30 câu hỏi với 30 phút kiểm tra kiến thức nền tảng môn Văn, Toán, nếu thí sinh trả lời đúng 30 câu thì được 3 điểm.
Thành phần điểm thứ hai trong bài thi năng khiếu báo chí trong chuyên ngành báo in, phát thanh, truyền hình, báo mạng điện tử là thi viết với nội dung sửa lỗi sai của văn bản và thí sinh sửa lại. Bài thi này khá đơn giản về lỗi chính tả, lỗi trật tự từ, lỗi cấu trúc câu. Phần này chiếm 3 điểm.
Phần 4 điểm còn lại là quay phim và ảnh (sinh viên khoa quay phim, báo ảnh) nói về phân tích, cảm thụ hình ảnh. Thí sinh xem video hay một loạt ảnh rồi viết 300-500 chữ để phân tích nhận xét nội dung, mỹ thuật và kỹ thuật bức ảnh…
TS. Nguyễn Thu Thủy cho rằng điểm chuẩn, tỷ lệ chọi năm ngoái có thể cao nhưng chỉ có tính chất tham khảo vì năm nay còn tùy thuộc vào số lượng thí sinh đăng ký vào từng ngành, chất lượng thí sinh… Vậy nên thí sinh nếu đam mê báo chí hãy mạnh dạn đăng ký vào trường.
Về học phí của trường, theo TS. Nguyễn Thu Thủy học phí không có tính ổn định mà tùy thuộc vào số lượng tín chỉ thí sinh đăng ký trong một học kỳ , học nhiều tín chỉ/kỳ thì có thể rút ngắn thời gian đào tạo. Tổng số tín chỉ là 130 tín chỉ toàn khóa chưa bao gồm giáo dục thể chất và giáo dục quốc phòng.
PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng- Viện trưởng Viện báo chí (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cho biết: “Với chuyên ngành Truyền thông đại chúng sinh viên sẽ được học kỹ năng làm nội dung truyền thông để phát được ở tất cả các kênh đại chúng, học cách tổ chức sản xuất các dòng truyền thông nghe nhìn, truyền thông số, học cách sản xuất sản phẩm truyền thông đại chúng, truyền hình. Khi học ngành này, sinh viên có thể đầu quân cho bất kỳ cơ quan truyền thông nào hay làm truyền thông cho doanh nghiệp...
Học Truyền thông đại chúng sinh viên vẫn được học Truyền thông đa phương tiện, chỉ khác là cách tiếp cận khác nhau. Truyền thông đa phương tiện là tích hợp rất nhiều thành tố khác nhau từ chữ, âm thanh, hình ảnh tĩnh, động, phát triển giải pháp công nghệ, những loại hiệu ứng hay cấu trúc hình ảnh khác nhau. Truyền thông đa phương tiện là truyền thông số, mỹ thuật số, công nghệ số, nền tảng số, đa phương tiện đi kèm sự phát triển công nghệ, sáng tạo nội dung, học thiết kế sản phẩm truyền thông. Truyền thông đa phương tiện là ngành đòi hỏi tính cập nhật, kiến thức và kỹ năng tích hợp nhiều lĩnh vực khác nhau”.
Hoàng Thanh