Diện mạo Quân đội Nga năm 2016
Năm 2016, quân đội Nga sẽ tiếp nhận nhiều loại vũ khí khủng. |
Syria, Kavkaz, ODKB và Donbass
Chỉ trong vòng vài tháng không kích ở Syria, Quân đội Nga đã chứng minh cho toàn thế giới thấy rằng họ không chỉ biết tác chiến trong các cuộc tập trận và trong các cuộc thi tài quân sự mà còn thực sự thiện chiến trong tác chiến thực tế.
Syria là thao trường chính để lực lượng Không quân - Vũ trụ Nga (VKS) rèn luyện các khả năng tác chiến khi VKS bắt đầu chiến dịch không kích lực lượng khủng bố IS ở Syria từ ngày 30/9/2015 theo đề nghị của Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Các chiến dịch không kích của VKS ở Syria sẽ tiếp tục kéo dài trong năm 2016. Theo dự báo của các chuyên gia, nếu chiến dịch tiếp tục diễn ra thuận lợi như hiện nay thì có thể kết thúc chỉ trong vài tháng nữa.
Ở Donbass, Quân đội Nga cũng sẽ vẫn tiếp tục thực hiện “các chức năng nhất định” của mình. Các sỹ quan Nga sẽ thay phiên nhau hoạt động trong Trung tâm hỗn hợp điều phối và kiểm soát việc thực hiện Thỏa thuận Minsk.
Tại Kavkaz, theo tuyên bố mới đây của Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu, khu vực ảnh hưởng của lực lượng IS đang ngày càng mở rộng và đang đe dọa chuyển hoạt động này sang khu vực Trung Á và Kavkaz.
Trong bối cảnh này, cuộc tập trận chiến lược “Kavkaz-2016” sẽ trở thành sự kiện quan trọng trong quá trình huấn luyện tác chiến của Quân đội Nga năm 2016. Tổng thống Nga Putin khẳng định rằng trọng tâm chính của cuộc tập trận này là huấn luyện binh sỹ thực hành tác chiến trong các điều kiện khó khăn, trong đó có tác chiến ở các địa bàn rừng núi.
Trước đó, trọng tâm chính của cuộc tập trận chiến lược “Trung tâm - 2015” là để chuẩn bị cho việc thực hiện chiến dịch quân sự tại Syria.
Như vậy, nhiệm vụ chính của Quân đội Nga năm 2015 là bảo vệ biên giới ở khu vực Kavkav và các hướng tiếp cận với khu vực này.
Tadjikistan, Kyrgyzstan và các nước OKDB
Các nước thành viên OKDB (Tổ chức Hiệp ước An ninh tập thể) được coi là những “người bạn” chính của Nga trong năm 2016. Theo Tổng thống Nga Putin, việc phát triển quan hệ quân sự với các nước đối tác và các nước liên minh, trước hết là với các nước ODKB, sẽ là một trong những ưu tiên chính của Quân đội Nga.
Xét về vị trí địa lý, các nước này sẽ luôn phải đối phó với các mối đe dọa về an ninh và khủng bố từ lực lượng phiến quân IS ở Afghanistan. Do đó, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu đã tuyên bố rằng Nga sẽ làm những gì có thể để tái trang bị cho Quân đội Kyrgyzstan để nước này có thể chống lại bất cứ mối đe dọa khủng bố nào xuất phát từ Afghanistan.
Theo ông Shoigu, hiện kế hoạch tái vũ trang cho Quân đội Kyrgyzstan đang được đẩy mạnh.
Hệ thống tên lửa Buk mới của Nga |
Trang bị vũ khí cho tương lai
Ngoài việc tái vũ trang cho Quân đội Kyrgyzstan, Chính phủ Nga cũng sẽ đẩy mạnh quá trình tái vũ trang cho Quân đội Nga.
Theo sắc lệnh được Tổng thống Putin ký sau khi nhậm chức hồi tháng 5/2012, lượng vũ khí, trang thiết bị hiện đại có trong trang bị của Quân đội Nga đến năm 2020 sẽ phải đạt ít nhất trên 70%, trong đó có một số đơn vị đặc biệt sẽ được trang bị 100% vũ khí hiện đại.
Tổng thống Putin cũng đã đặt ra một số nhiệm vụ chính cho quá trình tái vũ trang Quân đội Nga khi tuyên bố: “Cần phải đặc biệt chú trọng đến tiềm lực tác chiến cho các lực lượng hạt nhân chiến lược, thực hiện các chương trình phòng thủ vũ trụ.
Cần phải trang bị cho tất cả các lực lượng hạt nhân các loại vũ khí mới nhất, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống cảnh báo các đòn tấn công bằng tên lửa từ trên không và từ vũ trụ”.
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Shoigu bổ sung rằng Lực lượng Hạt nhân chiến lược của Nga trong năm 2016 sẽ đưa 5 trung đoàn tên lửa “Yars” và “Yars-M” trong thành phần của Lực lượng tên lửa chiến lược vào trực chiến, còn lực lượng không quân sẽ được bổ sung thêm các máy bay ném bom chiến lược đã được cải tiến là 2 Tu-160 và 7 Tu-95MS.
Năm 2016 sẽ là thời điểm cho phi công lái bay thử nghiệm máy bay tiêm kích thế hệ 5 PAK FA (T-50). Đây là máy bay được trang bị một loạt những đặc tính đặc biệt khi kết hợp cả các tính năng của máy bay tiêm kích và máy bay ném bom. PAK FA thường xuyên là mẫu máy bay đứng đầu trong danh sách các loại vũ khí hiện đại nhất.
Ban đầu, PAK FA dự định sẽ được đưa vào trong biên chế của Quân đội Nga ngay năm 2016 nhưng do một số điều kiện khó khăn và sự cần thiết phải hoàn thiện hơn nữa nên việc trang bị PAK FA cho Quân đội Nga được lùi lại đến năm 2017.
Theo Thứ trưởng Quốc phòng Nga phụ trách mảng trang bị Yuri Borisov, trong những điều kiện kinh tế hiện nay, kế hoạch ban đầu về việc mua sắm T-50 sẽ được điều chỉnh lại. Ban đầu, Bộ Quốc phòng Nga dự định sẽ mua 10 chiếc T-50 để tiến hành khai thác thử nghiệm, sau đó sẽ mua lô máy bay thứ hai với 60 chiếc.
Siêu tăng T-14 Armata |
Tuy nhiên hiện nay, thay vì chờ đợi mua sắm T-50, Bộ Quốc phòng Nga hiện đang ưu tiên mua sắm máy bay Su-35(được coi là tiêm kích thế hệ 4++, chỉ khác T-50 ở chỗ không được trang bị radar thế hệ mới nhất và công nghệ Stels) và các loại tiêm kích đa năng Su-30.
Ngoài máy bay, Quân đội Nga năm 2016 dự định sẽ tiếp nhận cả các mẫu xe tăng hiện đại nhất Armata (T-14), loại đã được trình diễn trong cuộc duyệt binh kỷ nhiệm 70 năm chiến thắng phát xít ngày 9/5/2015.
Tuy nhiên, giá thành của 1 chiếc T-14 hiện khá cao, khoảng 350 triệu ruble, nên đây sẽ là yếu tố cản trở việc trang bị cho quân đội nhiều xe tăng loại này.
Năm 2016, Quân đội Nga cũng sẽ tiếp nhận các hệ thống tên lửa phòng không tầm trung S-350E (Vitiaz). Hệ thống này sử dụng các tên lửa tầm trung đang được sử dụng cho hệ thống S-400, cũng như sử dụng các tên lửa tầm gần.
Ngoài ra, theo Bộ trưởng Quốc phòng Nga, Quân đội Nga 2016 còn tiếp nhận một lữ đoàn tên lửa phòng không mới “Buk-M3”. Đây là tổ hợp có thể tiêu diệt các mục tiêu đang bay với tốc độ đến 3km/s ở khoảng cách tứ 2,5-70 km, có khả năng tiêu diệt đồng thời 36 mục tiêu là các tên lửa đạn đạo và các máy bay khác nhau.