Điện Biên: Triển khai giao đất, giao rừng cho người dân để bảo vệ và phát triển rừng bền vững
Nhằm ổn định đời sống, tạo công ăn việc làm, đồng thời để bảo vệ và phát triển rừng, huyện Tuần Giáo (Điện Biên) đã đẩy mạnh triển khai việc giao đất, giao rừng, cấp giấy CNQSD đất lâm nghiệp cho người dân các dân tộc trên địa bàn huyện.
Giao đất, giao rừng là một trong những công cụ quản lý rừng hiệu quả. Khi người dân được giao quyền sở hữu, quyền sử dụng đất và rừng theo quy định của pháp luật sẽ đảm bảo việc duy trì, khôi phục độ che phủ rừng; nâng cao chất lượng đa dạng sinh học và tăng khả năng phòng hộ của rừng, bảo vệ môi trường. Đồng thời cải thiện nguồn vốn sinh kế, thu nhập của người dân sinh sống bằng nghề rừng từ tiền dịch vụ môi trường rừng.
Người dân, ngoài việc sẵn sàng hợp tác trong quá trình thực hiện các thủ tục giao đất giao rừng, họ cũng mong muốn mình sớm được sở hữu đất rừng dù là giao cho cộng đồng hay cá nhân. Bởi khi được Nhà nước giao, họ có nhiều quyền lợi, trong đó, những quyền lợi rõ nhất, đó là được hưởng lâm sản tăng thêm từ rừng; hưởng lợi từ dịch vụ môi trường rừng; tiền hỗ trợ bảo vệ và phát triển rừng…
Hiện nay, huyện Tuần Giáo đang tập trung giao đất giao rừng đối với diện tích đất đã có rừng, nhằm kịp thời hỗ trợ hiệu quả cho công tác chi trả dịch vụ môi trường rừng. Đến nay, toàn huyện đã triển khai đo đạc đối với những diện tích có rừng tại thực địa ở 17 trong tổng số 19 xã. Diện tích đã đo được là trên 8.200 ha và đang triển khai đo diện tích còn lại tại các xã.
Theo Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Tuần Giáo, để thực hiện được nhiệm vụ, các tổ đo đạc đã xác định rõ trách nhiệm của mình để góp phần hoàn thiện công tác giao đất giao rừng một cách sớm. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay của huyện là địa bàn rộng, diện tích đất cần giao lớn, dân cư ở phân tán. Trong khi đó những diện tích lớn trước đã giao theo Quyết định 338, hiện còn lại diện tích nhỏ lẻ, phân tán nên mất thời gian, công sức trong quá trình thực hiện. Bên cạnh đó, chủ trương của tỉnh là giao diện tích đất có rừng trước cho hộ dân để người dân được chi trả dịch vụ môi trường rừng, sau đó lại quay lại làm những diện tích chưa có rừng nên việc di chuyển đi lại cũng mất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai.
Ngoài ra, trong công tác giao đất giao rừng ở Tuần Giáo còn gặp phải những vướng mắc khác như: Người dân ở một số khối, bản chưa thực sự đồng thuận với quy hoạch 3 loại rừng; nhiều hộ đang quản lý rừng nằm trong quy hoạch 3 loại rừng nhưng không đảm bảo điều kiện diện tích liền vùng từ 0,3ha trở lên theo quy định và một số vướng mắc trong quá trình thực hiện vượt quá thẩm quyền của UBND huyện nên phải chờ xin ý kiến cấp trên.
Trước những khó khăn đó, huyện Tuần Giáo đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị và các xã, thị trấn, trong đó nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ này; đẩy mạnh tuyên truyền, giải thích nhằm tạo đồng thuận trong nhân dân. Đồng thời yêu cầu đơn vị tư vấn tăng cường nhân lực, đẩy nhanh tiến độ đo đạc trên thực địa.
Cùng với đó, các cơ quan đơn vị liên quan tăng cường phối hợp trong việc tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện để việc giao đất giao rừng ở những diện tích còn lại đảm bảo hiệu quả hơn.
H.Yến