Diễn biến tình hình Ukraine ngày 6/3
Khởi đầu, Liên minh châu Âu (EU) đã đề xuất viện trợ ít nhất 15 tỷ USDđể khôi phục nền kinh tế đang trong giai đoạn khủng hoảng của Ukraine. Khoản viện trợ này sẽ được chuyển giao cho Ukraine trong vài năm tới.
Tiếp sau đó, EU còn mạnh tay phong tỏa tài sản của Tổng thống Yanukovych và những người thân cận với ông, bao gồm hàng loạt các giới chức của chính phủ cũ như Thủ tướng Ukraine Mykola Azarov, Tổng công tố viên, người đứng đầu các lực lượng an ninh, Bộ trưởng Tư pháp và Bộ trưởng Nội vụ Ukraine.
Người biểu tình cầm cờ của Liên minh châu Âu (EU) và cờ Ukraine trong một cuộc biểu tình ủng hộ Ukraine gia nhập EU hồi tháng 11/2013. |
Mặc dù EU và Mỹ ra sức kêu gọi Nga ngừng can thiệp vào Ukraine, nhưng kết quả vẫn không được như họ mong đợi. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã có cuộc gặp với người đồng cấp bên phía Mỹ John Kerryvà một số nước thành viên chủ chốt của Liên minh châu Âu (EU) Anh, Đức và Pháp bên lề một hội nghị ở Paris về vấn đề Ukraine.
Cuộc đàm phán vẫn chưa đem lại kết quả gì đáng kể. Trong khi Mỹ muốn đưa các nhà quan sát độc lập vào Crimea và muốn có cuộc đàm phán trực tiếp giữa Kiev và Matxcơva, thì Nga lại muốn có đại diện lớn hơn cho các vùng nói tiếng Nga trong chính phủ Kiev và từ chối đối thoại với chính phủ mới ở Kiev.
Trong khi các diễn biến ngoại giao xung quanh vấn đề Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu khả quan thì ở bên trong nước tình hình vẫn theo xu hướng cũ kể từ khi Tổng thống Yanukovych bị lật đổ.
Chính quyền Crimea vẫn tiếp tục có những hành động được cho là “chống đối” với chính phủ mới. Crimea vừa tuyên bố sẽ thành lập cơ quan hành pháp và các lực lượng an ninh riêng.
Quốc hội Crimea cũng tuyên bố sẽ tổ chức trưng cầu dân ý vào ngày 30/3 tới, sớm hơn so với kiến trước đó (25/5). Ở Crimea, những người ủng hộ Nga xuống đường diễu hành để ủng hộ quyết định này.
Trong tuần này, các quan chức của Cộng hòa tự trị Crimea sẽ đến Matxcơva để gặp gỡ các đại biểu Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga nhằm thảo luận về hàng loạt vấn đề, từ việc cung cấp các loại thuốc men và thực phẩm tới vấn đề năng lượng.
Trong khi đó, phía chính phủ mới ở Kiev cũng có động thái mạnh mẽ khi tòa án tại Kiev đã phát lệnh bắt giữ Thủ tướng, phát ngôn viên quốc hội Cộng hòa tự trị Crimea, và một số chính trị gia khác với một số tội danh hình sự.
Một thông tin được coi là tin đồn nhưng cũng thu hút nhiều sự quan tâm đó là việc các nhà lãnh đạo của chính phủ mới trước đây đã thuê lính bắn tỉa, bắn chết nhiều người biểu tình và cảnh sát trong các cuộc bạo động trước đó nhằm gán tội cho Tổng thống Viktor Yanukovych.
Thông tin lan truyền sau khi một đoạn ghi âm cuộc đàm thoại giữa người đứng đầu chính sách đối ngoại Liên minh châu Âu (EU) Catherine Ashton và Ngoại trưởng Estonia Urmas Paet bị rò rỉ trên mạng. Trong đó, ông Urmas Paet cho biết, nhiều người Ukraine đang cho rằng những người muốn thành lập chính phủ mới trước đó đã thuê các tay súng bắn tỉa bắn chết những người biểu tình và cảnh sát.