Điện Biên Phủ: Tướng Navarre với chim biển, phụ nữ, thần thoại Hy Lạp
Các loài chim biển, tên phụ nữ và cả thần thoại Hy Lạp luôn xuất hiện trên sa bàn của vị tướng 4 sao.
Đầu tiên là cuộc hành binh mang tên Hirondelle - Chim én. Sáng sớm ngày 18/7/1953, dưới sự chỉ huy của thiếu tướng Gilles, 5.000 quân Pháp bất ngờ nhảy dù xuống các hang động chứa đầy vũ khí bên sông Kỳ Cùng (Lạng Sơn).
Tư lệnh quân đội viễn chinh Pháp - Tướng Navarre (bên phải) và thuộc cấp rất thích đặt tên những loại chim biển, phụ nữ và thần thoại Hy Lạp cho các đơn vị quân đội của mình |
Trong một lần trả lời phỏng vấn báo chí, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nói về cuộc hành binh này: “Không nên quên rằng Navarre đã bắt đầu việc chỉ huy của mình bằng hai chiến công: Chiến dịch Hirondelle (chim én) ở sâu trong hậu phương của chúng tôi là Lạng Sơn và Lộc Bình. Cạnh đó, việc rút lui thành công một cách xuất sắc khỏi căn cứ Nà Sản. Về phần mình tôi không bao giờ coi thường bất cứ một tổng tư lệnh nào của quân đội viễn chinh nào. Những tháng đầu tiên trong trách nhiệm tổng chỉ huy, Navarre đã chứng tỏ rằng ông ta là một đối thủ tầm cỡ”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng các sĩ quan trong bộ chỉ huy tại Điện Biên Phủ |
Kế đến là chiến dịch Moutte - Hải âu. Đây là một trận chiến lớn trong Chiến tranh Đông Dương và được cấu thành từ 2 cuộc hành quân lớn là cuộc hành quân Mouette (Hải âu) vào tây nam Ninh Bình và cuộc hành quân Pélican (Bồ nông) vào ven biển Thanh Hóa.
Thời điểm đó, phía Việt Nam đang chuẩn bị kế hoạch cho Chiến cục đông-xuân 1953-1954 - một đòn tiến công chiến lược trên nhiều hướng để phân tán quân Pháp, mở một con đường thông sang Lào để đưa bộ đội chủ lực vào Nam Bộ. Chiến trường đồng bằng Bắc Bộ do tướng Văn Tiến Dũng chỉ huy sẽ là hướng phối hợp. Đồng thời, quân báo Việt Nam thành công trong việc lừa quân Pháp rằng hướng chủ yếu trong 1953-1954 sẽ là đồng bằng. Dựa trên căn cứ đó, tướng Navare tin rằng đối thủ đang lấy Nho Quan (Ninh Bình) làm căn cứ hậu cần và chiến dịch Mouette mở màn.
Bại tướng De Catries và bộ chỉ huy ra hàng khi thất bại trên cứ điểm Điện Biên Phủ |
Cuộc hành binh đặc biệt quan trọng trong đời binh nghiệp của tướng Navarre là chiến dịch Castor - Hải ly. Đây là cuộc đổ bộ của quân Pháp đánh chiếm lòng chảo Điện Biên Phủ để xây dựng tập đoàn cứ điểm. Ngày 20/11/1953, mở màn cho chiến dịch này là cuộc đổ bộ bằng đường không của tiểu đoàn dù thuộc địa số 6 do thiếu tá Mareel Bigeard chỉ huy. Ngay sau đó, tiểu đoàn 2 dù thuộc trung đoàn biệt kích dù (2/1/RCP) do thiếu tá Brechignac chỉ huy cũng đáp xuống. Cả 2 tiểu đoàn dù của Pháp đáp xuống lòng chảo Điện Biên không hề dễ dàng khi trạm trán với bộ đội Việt Nam. Cuộc chiến đấu giằng co đến cuối giờ chiều Pháp mới chiếm được trận địa.
Điều đặc biệt trong tên gọi Castor vì nó sở hữu 2 nghĩa. Ngoài tên 'Hải ly' thì Castor là tên một vị thần trong thần thoại Hy Lạp. Và để tương thích về tinh thần, ý chí, sức mạnh...thì Navarre và bộ thống soái của ông ta còn đặt tên một cuộc hành binh khác là Pollux (Castor và Pollux là 2 anh hùng, đồng thời là 2 anh em trong thần thoại Hy Lạp). Cuộc hành binh Pollux diễn ra vào ngày 6/12/1963 khi trung tá Trancart đưa toàn bộ lực lượng của mình từ Lai Châu về hội quân ở Điện Biên Phủ.
Trớ trêu là cuộc hành binh Castor - Hải ly vận đúng vào nghĩa “đen” của nó khi trong suốt chiến dịch Điện Biên Phủ, binh lính của tướng Navarre bị quân đội Việt Nam “hành” cho tơi tả khi chui lủi trong các công sự, một số cấp chỉ huy còn không dám thò đầu khỏi mặt đất, hệt như những con chuột nước-hải ly.
Giống như thượng cấp, tướng De Castries cũng đặt một cái tên mỹ miều cho chính sở chỉ huy của mình ở Điện Biên Phủ. Đó là Epervier. Trong cuốn “Điện Biên Phủ chuyện kể với bạn bè”, nhà nghiên cứu lịch sử quân sự, đại tá Trần Trọng Trung viết: “Tiếng Pháp từ Epervier có nghĩa là loài chim cắt, chim ác..., nhưng còn có nghĩa nữa là lưới bủa vây. Vì thế có người đặt lại vấn đề là từ Epervier đã phản lại De Castries khi lớp lớp chiến hào của quân đội Việt Nam bủa vây, như cái thòng lọng xiết chặt cổ; hay như tướng De Castries tự giam mình vào lưới bủa vây”. Điều này hoàn toàn đúng khi nghĩa “phái sinh” thứ 2 vận đúng vào viên chỉ huy chiến trường khi ông và đội quân của mình đầu hàng.
Tuy nhiên nhắc đến tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ cũng không thể không nhắc đến những tên phụ nữ mỹ miều được Navarre và bộ thống soái của mình đặt tại nơi đây, Bản Kéo là Anne Marie, Độc Lập là Gabrielle, Hồng Cúm là Isabella; các cứ điểm phía Đông của phân khu trung tâm có tên Dominique, Eliane; các cứ điểm phía Tây có tên Claudine, Huguette...Tuy được đặt những cái tên phụ nữ liên tưởng tới sự mềm mại, ngọt ngào, nhưng thực tế những địa điểm đó đã trở thành nơi giao tranh khốc liệt đánh dấu từng bước sự thất bại của quân đội viễn chinh Pháp trên chiến trường Điện Biên Phủ.