Đi mưa về tưởng nhiễm cúm, người đàn ông suýt chết vì viêm phổi
Các bác sĩ BV Tâm Anh Hà Nội vừa cấp cứu cho bệnh nhân V.T.V (37 tuổi, Hà Nội) vào viện khi suy hô hấp nặng, sốc nhiễm khuẩn.
Theo người nhà, anh V. đi mưa về thấy bị ho, sốt rét run nên chỉ nghĩ là cảm cúm. Anh V. không đi khám mà tự mua thuốc kháng sinh và hạ sốt về uống, ho càng ngày càng nặng kèm khạc đờm xanh và tình trạng càng ngày càng khó thở, mệt mỏi. Khi anh V. có biểu hiện suy hô hấp mới được người nhà đưa vào bệnh viện cấp cứu.
Khi vào viện, tình trạng của anh V. đã bị sốc nhiễm khuẩn, bác sĩ cho biết chỉ chậm vài tiếng có thể nguy hiểm tới tính mạng vì sốc nhiễm khuẩn gây suy đa tạng. Anh không bị cảm cúm hay sốt virus mà bị viêm phổi. Các bác sĩ nhanh chóng cho người bệnh truyền dịch, thở oxy, dùng thuốc vận mạch và kháng sinh để duy trì các chức năng hô hấp và tuần hoàn.
Sau 7 ngày điều trị và theo dõi tích cực, anh V. thoát sốc, qua cơn nguy kịch, chỉ số sinh tồn ổn định, hồi phục tốt và được xuất viện.
Theo Thạc sĩ, Bác sĩ Thân Thị Ngọc Lan, khoa Hô hấp, BVĐK Tâm Anh Hà Nội hiện nay mọi người đều có tâm lý khi thấy sốt, ho chủ quan và tự mua thuốc điều trị tại nhà. Nhiều trường hợp thấy triệu chứng giống cúm thì mua đủ các loại thuốc về uống, thậm chí cả kháng sinh. Vì không rõ nguyên nhân dẫn tới sốt nên có trường hợp bệnh vào giai đoạn nặng, nhiễm trùng nghiêm trọng mới đến bệnh viện, biến chứng đã nặng, việc cứu chữa cũng khó khăn.
BS Lan cho rằng khi sốt việc đầu tiên cần làm là hạ sốt và bù đủ nước, điện giải nếu tình trạng không ổn sau 2 hôm người bệnh cần đi khám để được chẩn đoán nguyên nhân gây ra tình trạng sốt và điều trị phù hợp.
PGS Nguyễn Hoài Nam – Giảng viên trường Đại học Y Dược TP.HCM cho biết, viêm phổi là bệnh lý thường gặp. Theo Bộ Y tế, tỷ lệ tử vong do viêm phổi cao nhất ở trẻ em dưới 5 tuổi và người lớn trên 75 tuổi. Còn theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), năm 2015, viêm phổi là căn nguyên gây tử vong đứng hàng thứ 3 sau đột quỵ và nhồi máu cơ tim. Tỷ lệ mắc viêm phổi ở các nước đang phát triển cao hơn gấp 5 lần so với các nước phát triển.
Các dấu hiệu bao gồm: sốt, đau đầu, đau nhức mỏi người, đau rát họng, hắt hơi, sổ mũi, chảy nước mũi,... Bệnh nhân bắt đầu ho và tăng dần, có thể có hoặc không có đờm.
Nguyên nhân do nhiều yếu tố nhưng hay gặp nhất là virus như cúm, đại thực bào hô hấp, các vi khuẩn hay gặp gây viêm phổi như vi khuẩn chlamydia, nhóm vi khuẩn gây mủ, mycoplasma,… Tuy nhiên, chúng có tỷ lệ gây bệnh thấp hơn so với các chủng virus. Người bệnh có sức đề kháng kém hoặc đã bị suy yếu dễ viêm phổi hơn.
Thời tiết như hiện nay cũng là yếu tố thúc đẩy bệnh viêm phổi. Bác sĩ Nam lưu ý người dân nên chủ động phòng bệnh với các biện pháp như sau:
Giữ cơ thể ở một môi trường với nhiệt độ vừa đủ, không quá nóng và không quá lạnh. Mức nhiệt khoảng 25-26 độ vào ban ngày và 26-27 độ vào ban đêm. Việc sử dụng điều hòa có thể gây khô không khí nên sử dụng một máy làm ẩm hoặc một chậu nước trong phòng.
Uống đủ nước theo nhu cầu hàng ngày, tránh để mất nước, nhất là khi thường xuyên phải ở ngoài trời. Nếu đổ nhiều mồ hôi nên được bổ sung bằng các loại nước có chất điện giải.
Tập thể dục một cách hợp lí. Thời tiết quá nóng không nên tập các bài tập nặng gây mất nước nhiều. Với các bệnh nhân bệnh hô hấp mạn tính cần tập luyện trong mức độ chịu đựng được của bản thân.
Chế độ dinh dưỡng lành mạnh: Đủ chất dinh dưỡng, đủ năng lượng để cơ thể được nâng cao sức đề kháng. Đặc biệt là nhóm thực phẩm giàu vitamin C, rất tốt cho việc nâng cao sức đề kháng.
Giữ vệ sinh răng miệng: Với các ổ nhiễm khuẩn răng miệng và đường hô hấp trên nên được điều trị triệt để để tránh gây ra viêm phổi.
Bỏ các thói quen không tốt cho sức khỏe như hút thuốc lá, uống rượu bia. Các thói quen này không chỉ gây ra tốn kém về kinh tế mà còn gây ra nguy cơ cao mắc các bệnh cấp tính và mạn tính về hô hấp.
Thường xuyên theo dõi dự báo thời tiết, hạn chế ra ngoài đường khi không cần thiết để tránh hít phải khói bụi, hay phấn hoa với người dị ứng phấn hoa.
Khánh Chi