Đi chợ online: Méo mặt với hậu chốt đơn
Mua hàng online, chốt đơn có lẽ là niềm vui của không ít người trong những ngày thành phố giãn cách. Nhưng hậu chốt đơn khiến nhiều người méo mặt.
Giãn cách kéo dài và mô hình đi chợ giùm bị quá tải do lực lượng mỏng, nhiều gia đình chọn cách mua hàng online trên mạng. Nhưng kiểu mua bán tự phát cũng khiến nhiều gia đình dở khóc dở cười, có người mất tiền oan, thực phẩm giao không đúng như hình ảnh đăng bán.
Các group online họp chợ, ra đơn hàng ngày (Ảnh từ Facebook) |
Những ngày đầu gặp khó trong việc đi chợ thay tại địa phương quá tải, canh giờ đặt hàng tại các siêu thị gần nhà thì "rớt lên rớt xuống", tôi thực sự nản với nhiệm vụ đi chợ online cho cả nhà.
Tham khảo những chia sẻ trong group bạn bè, tôi vỡ nhiều điều. Thì ra, những "tiểu thương tự phát" và "tiểu thương chính hiệu" ở khu chợ quen thuộc gần nhà đã rủ nhau lập một group chợ online trên mạng, từ Facebook tới Zalo, mang chính cái tên ngôi chợ truyền thống đó.
Một trang chợ online trông đơn giản, thậm chí rất... chán về mặt thẩm mỹ, bát nháo với đủ thứ hầm bà lằng được đưa lên chào mời bất kể giờ giấc mà cũng thu hút hơn vài chục ngàn thành viên, đa số là dân trong những phường gần chợ.
Chợ online không thiếu thứ gì, từ thức ăn, rau củ, trái cây, thịt cá tôm, cua ốc, gà vịt... đến cả cái quẹt gas, hũ tăm bông, cây kim băng...
Các món ăn "nhà nấu" được chào bán sôi nổi trên group chợ, đánh trúng tâm lý thèm đồ ăn của nhiều người khi hàng quán đóng cửa quá lâu (Ảnh từ Facebook) |
Đủ mặt hàng thượng vàng hạ cám được bày bán sôi nổi trên chợ mạng. Người mua chỉ việc lướt bài đăng, xem hình ảnh, giá cả, ưng món nào thì nhắn tin, gọi điện cho người bán chốt đơn. Chưa đến nửa tiếng, hàng đã được ship đến tận đầu hẻm, tận chốt, chỉ việc ra lấy.
Nhưng tiền ship... khá chát. Tôi đặt một cây chổi tàu cau quét sân 25.000 đồng nhưng phí ship đến 30.000 đồng, trong khi tiệm bán chổi cách nhà chưa tới 500m. Mỗi người bán chỉ có vài món mình cần, muốn mua đủ món lại phải đặt nhiều chỗ, phí ship cứ thế nhân lên theo mỗi lần chốt đơn.
Nhưng phí ship vẫn chưa là gì so với nhiều thứ rắc rối phát sinh khi mua đồ trên các group chợ này. Tiểu thương truyền thống thì ít, người buôn tự phát thì nhiều, vàng thau lẫn lộn nên không tránh khỏi việc hình đăng bán một nơi, hàng nhận được một nẻo.
Nhất là những người ham hố kinh doanh mùa dịch, mới tập tành nấu ăn cũng đăng bán đồ "nhà nấu, nhà làm" rần rần nhưng lại khiến khách hàng méo mặt, thúi ruột vì mất tiền mà không ăn được là bao.
Đồ ăn sáng là mặt hàng được săn lùng nhiều nhất trên các group chợ online (Ảnh từ Facebook) |
Dạo một vòng, tôi thấy các món đồ ăn sáng như bún bò, phở, bún riêu, cháo lòng, bún thịt nướng... được chào bán nhiều nhất, đắt khách nhất.
Với cái mác "nhà nấu", "nhà làm", hình ảnh đồ ăn bắt mắt dễ khiến khách thèm thuồng, nhất là trong thời gian giãn cách, hàng quán nghỉ hết. Tôi từng bị hớ 5 tô bún bò "nhà nấu" với mỗi tô lèo tèo vài cọng bún, lát thịt bò dai nhai không đứt, nước dùng nhạt nhẽo, kiểu như nấu nước canh rồi cho thêm thịt bò, thành ra nước bún bò. Rau ăn kèm thì được 2,3 cọng với ít rau muống bào. Người bán giải thích dịch khó kiếm rau xanh. Sau lần đó, nỗi thèm bún bò đã xẹp hẳn vì cả nhà tôi chẳng ai muốn phải xơi thêm nước canh lần nào nữa.
Vô số người gánh nỗi khổ mua hàng online mùa dịch (Ảnh: Facebook) |
Cứ tưởng chỉ mình kém may mắn thôi, không ngờ có thời gian dạo một số group chợ online, tôi thấy dân tình "bóc phốt" nhau dày đặc. Có người kêu trời với kiểu cân thiếu, cân điêu của người bán. Cân thiếu nhiều nhất phải kể đến nhóm hàng đông lạnh như: râu bạch tuộc, khô một nắng... có khi một ký tôm mua về "nhót" đâu sơ sơ... 200gram.
Rau củ nếu đặt nhiều sẽ bị trộn hàng nguội, hàng hư vào mớ hàng tươi. Gọi lại cho người bán thì nghe được đủ lý do. Nào là xe kẹt chốt vài ngày nên không thể tươi như ngày thường. Nào là dịch giã, với giá đó sao đòi hỏi cao thế (dù giá bán đắt hơn 5 - 10%, thậm chí gấp đôi giá trong siêu thị)...
Những ngày thành phố căng mình chống dịch, việc mua được đủ thức ăn để đảm bảo dinh dưỡng, sức khỏe cho mỗi người trong gia đình thôi cũng có cả khối chuyện để bàn. Dĩ nhiên, sau mỗi sự cố luôn có bài học để mỗi người tự rút kinh nghiệm.
Riêng tôi chỉ tha thiết mong nay mai, mở mắt dậy thấy mọi thứ lại trở về như trước. Hàng quán, chợ truyền thống lẫn siêu thị đều mở cửa bán buôn bình thường. Để sáng ra cả nhà khỏi phải nhìn nhau hỏi hôm nay ăn gì. Và tôi cũng như bao nhiêu người khác không phải lo vật vã đi chợ online, không phải lo mất tiền vô lý vào những món ăn "chỉ mang tính chất minh họa" trên chợ mạng.
Tử Anh Anh (TPHCM)
Hí hửng săn hàng 1K, thanh niên hú vía khi mua phải chiếc quạt "cục súc"
Vừa cắm điện cho chiếc quạt, chàng trai đã phải ôm đầu bỏ chạy vì thấy rõ nguy cơ bị "tấn công".
Theo www.phunuonline.com.vn