Đền ông Hoàng Mười vẫn đốt hàng trăm ngựa "khủng" mỗi ngày
Rất nhiều ngựa và thuyền được đặt giữa sân để chứng trước khi đưa đi hóa vàng, khiến việc dâng hương, không gian hành lễ ở đền trở nên chật chội và gặp nhiều khó khăn. |
Ngày nay, việc dâng hương lễ chùa đầu năm không còn dành riêng cho giới kinh doanh, buôn bán, mà đã trở thành nét văn hóa của người Việt.
Đây là nét đẹp văn hóa mang tính tâm linh, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” đối với những bậc tiền nhân, những người có công với làng xã, đất nước.
Tuy nhiên, việc sửa soạn lễ vật, mua sắm vàng mã như thế nào cho phù hợp đang là vấn đề được dư luận hết sức quan tâm và có nhiều ý kiến trái chiều.
Tại xã Xuân Hồng, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh có đền Củi (hay còn gọi là đền thờ quan Hoàng Mười) nổi tiếng, hiện thân của vị tướng Lê Khôi thuộc nghĩa quân Lam Sơn. Ông là vị quan qua ba đời thời nhà Lê và có nhiều công lao trong công cuộc chống giặc Minh xâm lược.
Mỗi ngày có hàng trăm con ngựa và thuyền rồng được cúng tiến tại đền. |
Đền nằm cạnh QL1A, cách thành phố Vinh chừng 10km về phía Nam và cách thành phố Hà Tĩnh 40km về phía Bắc. Đền tọa lạc trên núi Khu Độc, bên dòng sông Lam hữu tình, thơ mộng - là nơi nổi tiếng trong tâm thức của người dân xứ Nghệ nói riêng và miền Bắc nói chung.
Đến với đền Củi, không kể ngành nghề, tuổi tác hay giới tính, mọi người đều không quên sắm sửa lễ vật hoa quả, hương nhang, hàng mã (tiền vàng, áo giấy, thuyền, ngựa…).
Đây là tín ngưỡng đặc sắc, là phong tục, tập quán của người Việt. Tuy nhiên việc mua sắm vàng mã để hành lễ đang bị “biến tướng”, làm mất vẻ đẹp truyền thống vốn có nơi đây.
Nếu như trước đây, du khách dâng hương chỉ là “lễ bạc” gồm cờ quạt, bút sách, hương, hoa quả, hia hài, nón áo, tiền vàng... tượng trưng cho tấm lòng thành của mình trước những bậc tiền nhân, thì giờ đây một số người dân đã “vung tiền” sắm lễ “khủng” từ vàng mã, làm ảnh hưởng đến không gian, cảnh quan và tính uy nghiêm của ngôi đền; tiềm ẩn nhiều hệ lụy như ô nhiễm môi trường, nguy cơ hỏa hoạn, tốn kém tiền của dẫn đến tiêu cực, mất đi ý nghĩa ban đầu của tục đốt vàng mã.
Hầu hết người dân đều đua nhau cung tiến ngựa “khủng”, có kích thước lớn như ngựa thật ngoài đời, cao khoảng 2m, giá 350 ngàn đồng/con để thể hiện "lòng thành” của mình. |
Theo ghi nhận của PV, mỗi ngày có hàng trăm con ngựa và thuyền rồng được cung tiến. Họ cho rằng, quan Hoàng Mười là một vị tướng, nên cần ngựa để xông pha trận mạc, cần thuyền để đánh giặc trên sông.
Ngựa và thuyền ở đây có nhiều loại, mỗi con ngựa hoặc thuyền rồng có giá giao động từ 20 ngàn đến 350 ngàn đồng tùy to hay nhỏ. Tuy nhiên, hầu hết người dân đều đua nhau cung tiến ngựa “khủng” (ngựa có kích thước như ngựa thật ngoài đời, cao khoảng 2m - PV) để thể hiện “lòng thành” của mình.
Trước khi đưa đi hóa vàng, họ mang thuyền và ngựa đặt giữa sân đền, vì thế người, ngựa chen chúc, tiền sảnh ngôi đền trở nên chật chội, khiến việc dâng hương, lễ đền trở nên lộn xộn và gặp nhiều khó khăn.
Một người dân ở 1 tỉnh phía Bắc đi lễ tại đền cho biết, năm nào gia đình và bạn bè cũng vào đền ông Hoàng Mười hành lễ. Đoàn của họ khoảng bốn năm chục người. Theo người này lý giải, vì đền ông Hoàng Mười được truyền tụng là nơi linh thiêng nên giới kinh doanh, buôn bán sắm nhiều vàng mã, lễ vật lớn để cung tiến là điều không thể tránh khỏi.
Những con ngựa "khủng" được vận chuyển vào đền khiến giao thông gặp khó khăn. |
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Sỹ Quý - quản lý đền Củi cho biết: “Đốt vàng mã là tục lệ có từ lâu đời, đã bén rễ, ăn sâu vào tiềm thức của người dân Việt Nam. Điều đó thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây. Đồng thời bày tỏ sự tưởng nhớ, biết ơn của con cháu đối với tổ tiên hay những bậc tiền nhân.
Các loại tiền âm phủ, vàng mã được đốt với mong muốn người thân của mình có cuộc sống no đủ, không phải lo cảnh cơm áo gạo tiền ở thế giới bên kia”.
Cũng theo ông Quý, đền có điểm hóa vàng mã riêng, cách biệt với khu vực hành lễ. Hệ thống chống cháy được trang bị đầy đủ với máy bơm công suất lớn, ngoài ra, công tác bảo vệ và dọn dẹp vệ sinh đều được chú trọng.