Đến năm 2030, Sóc Trăng sẽ trở thành vùng đất trung lưu về mức sống
Tại Phiên họp Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 diễn ra ngày 22/12, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, Phó Chủ tịch Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh nhận định, bên cạnh những tiềm năng, lợi thế của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Sóc Trăng còn có nhiều lợi thế riêng để phát triển.
Chẳng hạn, với vị trí thuận lợi, được thiên nhiên ưu đãi, được ưu tiên phát triển hạ tầng (như cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Trần Đề, cảng nước sâu Trần Đề...), tỉnh Sóc Trăng có nhiều thuận lợi để phát triển nông nghiệp, cả về nông sản vùng ngọt, lợ và mặn. Với 72 km bờ biển gắn với cửa sông Hậu, Sóc Trăng có nhiều tiềm năng để phát triển công nghiệp và dịch vụ, phát triển năng lượng sạch như điện gió, điện mặt trời.
Tuy nhiên, do xuất phát điểm thấp, việc thu hút đầu tư vào tỉnh Sóc Trăng cũng phải đối mặt với một số khó khăn, thách thức như: Vị trí địa lý xa các trung tâm kinh tế lớn của đất nước; quỹ đất khu công nghiệp tương đối lớn nhưng cơ sở hạ tầng vẫn đang trong quá trình hoàn thiện, chưa đồng bộ, đạt yêu cầu và kỳ vọng của nhà đầu tư; quy mô sản xuất công nghiệp còn nhỏ, chủ yếu vẫn tập trung vào sản xuất nông nghiệp, công nghiệp chế biến chủ yếu là sơ chế, giá trị gia tăng chưa cao.
“Những năm tới, để đẩy mạnh phát triển kinh tế gắn với giải quyết tốt các vấn đề xã hội, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, đưa tỉnh phát triển nhanh, bền vững, Sóc Trăng cần phải xây dựng một bản quy hoạch tỉnh có thể đề ra các phương án phát triển phát huy tối đa các tiềm năng, thế mạnh, giải quyết các khó khăn, thách thức, đẩy mạnh thu hút đầu tư có chọn lọc. Bên cạnh đó, cần huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực trong và ngoài địa phương để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội”, ông Trần Quốc Phương nói.
Trình bày báo cáo quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại phiên hợp, ông Lâm Hoàng Nghiệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng nhấn mạnh mục tiêu tổng quát: “Đến năm 2030, Sóc Trăng là tỉnh có nền kinh tế phát triển khá, trở thành vùng đất trung lưu về mức sống, phát triển theo hướng tăng trưởng xanh; có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ; phát triển bền vững về kinh tế, công bằng về xã hội, trách nhiệm đối với môi trường và bả o đảm quốc phòng - an ninh”.
Và tầm nhìn đến năm 2050: “Sóc Trăng trở thành vùng đất trung lưu về mức sống của vùng đồng bằng sông Cửu Long và cả nước; điểm đến du lịch nông nghiệp và văn hóa xanh, chất lượng cao hàng đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long; cực phát triển trung chuyển lớn trong hành lang kinh tế Đông - Tây; là một trung tâm công nghiệp xanh - cơ cấu kinh tế hiện đại - xã hội phát triển hài hòa; phát triển bền vững là đích hướng tới trong các hoạt động kinh tế của tỉnh”.
Những nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá của tỉnh Sóc Trăng thời gian tới được nhận diện gồm: Phát triển toàn diện nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, tạo sự chuyển biến rõ nét trong cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy khởi nghiệp; Ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông, năng lượng, cảng biển, logistics, khu, cụm công nghiệp, các đô thị, hạ tầng du lịch, hạ tầng chuyển đổi số…
Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu cho hay: Quy hoạch tỉnh được xem là khung kiến trúc, chiến lược phát triển toàn diện của tỉnh trong 10 năm, tầm nhìn 30 năm tới. Đây là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm ưu tiên hàng đầu của tỉnh.
Phát biểu kết luận phiên họp, Thứ trưởng Trần Quốc Phương đề nghị tỉnh Sóc Trăng, xem xét, rà soát lại việc tiếp thu, chỉnh sửa Hồ sơ quy hoạch theo ý kiến tham gia thẩm định của các thành viên Hội đồng thẩm định, các chuyên gia phản biện, đảm bảo hồ sơ đạt chất lượng và tiến độ, trình cấp có thẩm quyền theo đúng quy định.
Việt Hà