Đến lượt NATO và EU muốn can thiệp vào tình hình Triều Tiên?
![]() |
Tổng thư ký NATO Jeans Stoltenberg |
Thời gian gần đây, lãnh đạo NATO và Liên minh châu Âu (EU) liên tục bày tỏ quan điểm phản đối việc Triều Tiên liên tục tiến hành các vụ thử hạt nhân và tên lửa. Giới phân tích cho rằng đây là dấu hiệu cho thấy đến lượt NATO và EU muốn can thiệp vào tình hình Triều Tiên.
Ngày 8/9, người đứng đầu cơ quan ngoại giao EU Federica Mogerini cho biết, EU đang chuẩn bị các lệnh cấm vận mới chống Triều Tiên để buộc nước này phải chấp thuận tiến hành đàm phán về chương trình hạt nhân của mình.
“EU đã quyết định sẽ tăng cường gây áp lực kinh tế lên Triều Tiên để buộc họ phải tiến hành đối thoại chính trị nhằm phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên”- bà Federica Mogerini tuyên bố như vậy sau cuộc họp không chính thức của ngoại trưởng các nước thành viên EU.
Theo bà Mogerini, các ngoại trưởng EU đã đạt được sự đồng thuận trong việc ủng hộ Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc thông qua các lệnh trừng phạt kinh tế mới chống Triều Tiên. Các quốc gia EU cũng sẽ thúc đẩy để tất cả các quốc gia đều trừng phạt Triều Tiên. Hiện EU cũng đang chuẩn bị các lệnh cấm vận riêng của EU để trừng phạt Triều Tiên.
Đến ngày 10/9, Tổng Thư ký NATO Jeans Stoltenberg tuyên bố rằng các hành động thử hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên đang tạo ra mối đe dọa toàn cầu. Do đó, toàn cầu phải chung tay chống lại mối đe dọa này.
“Hành động vô trách nhiệm của Triều Tiên khi tiến hành thử hạt nhân và tên lửa đang tạo ra mối đe dọa toàn cầu nên cần phải có câu trả lời ở cấp độ toàn cầu. NATO sẽ tham gia vào quá trình này. Chúng tôi kêu gọi Triều Tiên ngừng chương trình hạt nhân của mình, ngừng tiến hành các vụ thử nghiệm vì điều này vi phạm hàng loạt nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc”- Tổng Thư ký NATO Jeans Stoltenberg tuyên bố trên kênh truyền hình BBC.
Ngoài ra, Tổng Thư ký của NATO còn cho rằng các vụ thử hạt nhân do Triều Tiên tiến hành còn đe dọa đến hòa bình và sự ổn định quốc tế. Tuy nhiên, điều cần thiết vẫn là giải quyết vấn đề này bằng các biện pháp chính trị.
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Michael Fallon cũng bày tỏ quan điểm ủng hộ việc giải quyết cuộc khủng hoảng Triều Tiên bằng các biện pháp hòa bình. “Xung đột quân sự cần phải tránh bằng bất cứ giá nào”- ông Fallon tuyên bố.
Giới phân tích quốc tế nhận định rằng, những tuyên bố của bà Federica Mogerini và ông Jeans Stoltenberg là các dấu hiệu cho thấy thời gian tới, có thể cả EU và NATO cũng sẽ can thiệp vào tình hình Triều Tiên. Tuy nhiên, nếu có thêm hai lực lượng này can thiệp thì tình hình Triều Tiên sẽ càng trở nên phức tạp hơn.
Theo Tổng thống Nga Putin, Triều Tiên sẽ không bao giờ từ bỏ chương trình hạt nhân của mình dù có phải “ăn cỏ” đi chăng nữa.