Đêm nhộn nhịp ở chợ Long Biên sau giãn cách xã hội
Chợ đêm Long Biên - nơi tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động làm thuê, kéo hàng, bốc vác về đêm đã bắt đầu nhộn nhịp trở lại.
3 tuần thực hiện giãn cách xã hội do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, các tiểu thương chợ đầu mối không bán được hàng, công việc của những người làm thuê cũng bị gián đoạn theo. Đến nay, chợ đêm Long Biên - nơi tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động bốc vác về đêm đã bắt đầu nhộn nhịp trở lại.
Chợ đêm Long Biên nhộn nhịp trở lại |
Gần 2h sáng 28/4, vừa kéo xong chuyến hàng, chị Nguyễn Thị Phượng (khoảng 40 tuổi, quê ở Xuân Trường, Nam Định) tranh thủ ăn vội tấm bánh mì cho đỡ đói trong lúc ngồi nghỉ cho lại sức. Chị Phượng chia sẻ: "Từ giữa tháng 3, khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhận được thông báo về việc đóng cửa chợ, tôi phải nghỉ làm về quê. Chồng tôi ốm yếu, ở nhà không làm được việc nặng, chỉ nuôi được con lợn, con gà.... Nhà tôi còn một cháu đang học lớp 10 nên khi tôi mất việc làm kinh tế gia đình rất khó khăn. Tôi làm ở đây dù vất vả nhưng thu nhập ổn định. Gần 1 tháng nghỉ ở nhà tôi thấy sốt ruột lắm nhưng cũng chấp nhận thôi. Tối 23/4, nghe tin được đi làm trở lại, tôi đã bắt xe từ quê ở huyện Xuân Trường (tỉnh Nam Định) đến chợ luôn. Được đi làm tôi rất vui!”.
Chị Nguyễn Thị Phượng, người kéo hàng ở chợ đầu mối Long Biên. |
Giống hoàn cảnh của chị Phượng, chị Trần Thị Thắm (quê ở Lập Thạch, Vĩnh Phúc) cũng nghỉ làm ở chợ Long Biên, về quê gần 1 tháng, ở nhà không có việc gì làm nên chi tiêu rất bí bách. "Ngay khi có thông tin được nới lỏng giãn cách xã hội, tôi xuống Hà Nội để làm luôn. Đi làm thế này tôi cảm thấy khỏe hơn hẳn”, chị Thắm hào hứng nói.
Sự hào hứng hiện rõ trên mặt những người lao động đêm tại chợ Long Biên. |
Gắn bó với nghề đẩy hàng ở chợ Long Biên được hơn 4 năm, ông Phạm Văn Thực (quê ở huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên) cũng mới đi làm lại gần 1 tuần sau thời gian cách ly xã hội. Nói về thu nhập với nghề này, ông Thực kể: “Trung bình một ngày làm ở đây tôi cũng được trả công vài trăm nghìn, đủ lo cho gia đình trang trải hàng ngày. Thời gian nghỉ việc ở nhà không có tiền chi tiêu tôi rất buồn, lo lắng lắm”.
Cũng là người kéo hàng, bốc vác ở chợ Long Biên, ông Nguyễn Văn Thuật (quê ở huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định) ở lại Hà Nội suốt thời gian vừa qua vì không có xe về quê. Hàng ngày, ông Thuật vẫn ra chợ làm việc đều đặn, tuân thủ quy định đeo khẩu trang, sát khuẩn phòng bệnh và đã trải qua giai đoạn cách ly xã hội an toàn.
Ban quản lý chợ luôn sát sao, nhắc nhở người lao động đeo khẩu trang. |
Có lẽ vì thu nhập từ công việc bốc xếp, kéo hàng ở chợ Long Biên mang lại thu nhập ổn định và khá cao nên khi hoạt động ở chợ dần bình thường trở lại, hầu hết người lao động ở đây đều rất hào hứng. Không chỉ có người làm thuê, các tiểu thương ở chợ cũng cảm thấy yên tâm, vui mừng hơn.
Chị Nguyễn Thị Hằng - tiểu thương ở chợ Long Biên cho biết: “Hàng hóa của chúng tôi đang bắt đầu trở lại bình thường, người mua ở đây cũng tăng dần từng ngày so với những hôm trước. Tôi mong cả nước ta nhanh chóng đẩy lùi dịch bệnh để chúng tôi an tâm làm ăn”.
Cảnh nhộn nhịp đã bắt đầu quay trở lại tại chợ Long Biên. |
Theo đại diện Ban quản lý chợ Long Biên, 4 ngày trở lại đây, lượng hàng hóa được tiêu thụ nhiều hơn, công nhân ra đây làm cũng đông hơn, Ban quản lý thường xuyên cử người làm nhiệm vụ nhắc nhở người lao động đeo khẩu trang và không tụ tập đông người.
Dưới đây là một số hình ảnh PV ghi nhận lúc rạng sáng nay, 28/4:
Quang cảnh chợ Long Biên lúc 2h sáng 28/4. |
Đa số người lao động tại đây thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang. |
Nhiều gia đình có cả vợ chồng ra chợ Long Biên làm việc kéo hàng. |
Chợ Long Biên dường như chỉ nhộn nhịp vào ban đêm. |
Người phụ nữ kéo xe hàng đầy ắp ở chợ Long Biên. Công việc tuy vất vả nhưng mang lại nguồn thu nhập ổn định cho những người không có việc làm từ các tỉnh khác đổ về Hà Nội. |
Anh Hùng