Đề xuất điện 1 giá gây tranh cãi; Người mua vàng chịu thiệt vì giá chênh cao
Giật mình vì mức chênh lệch mua, bán giá vàng cao khiến người mua vàng phải chịu thiệt; Đề xuất điện 1 giá của Bộ Công Thương gây nhiều ý kiến tranh luận... là những thông tin nóng trên thị trường 24h qua.
Giá vàng chênh lệch cao giữa mua và bán gây bất lợi cho người mua (ảnh Minh Thư). |
Chênh lệch giá vàng cao, người mua vàng chịu thiệt
Giá vàng SJC trong cuối ngày hôm qua (13/8) tại Hà Nội giao dịch ở mức 53,18 triệu đồng/lượng mua vào và 55,80 triệu/lượng bán ra. Khoảng cách chênh lệch giữa giá mua và giá bán là 2,7 triệu đồng/lượng.
Tại Công ty CP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ), giá vàng miếng giao dịch vào cuối ngày hôm qua 13/8 ở mức 53,40 triệu/lượng mua vào và bán ra 55,60 triệu/lượng. Khoảng cách chênh lệch giữa giá mua và giá bán là 2,2 triệu đồng/lượng.
Mặc dù mức chênh lệch giữa giá mua và giá bán vàng đã được các doanh nghiệp điều chỉnh co lại, nhưng khoảng cách chênh lệch hiện vẫn trên 2 triệu đồng mỗi lượng. Theo đánh giá từ các chuyên gia, đây vẫn là mức chênh lệch rất cao và người mua vàng đang là đối tượng chịu rủi ro lớn nhất từ tỷ lệ này.
Loạt doanh nghiệp bị nhắc nhở vì… chưa thay tướng
Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) vừa nhắc nhở một số doanh nghiệp niêm yết chưa thực hiện quy định chủ tịch HĐQT không kiêm nhiệm chức danh tổng giám đốc của cùng một công ty đại chúng theo quy định về quản trị doanh nghiệp tại Nghị định 71/2017/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/8.
Đơn cử như Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Cổ phần Thiết bị điện Việt Nam (Gelex) là ông Nguyễn Văn Tuấn vẫn đảm nhận đồng thời vai trò tổng giám đốc. Ông Nguyễn Văn Tuấn sinh năm 1984, làm tổng giám đốc Gelex từ năm 2016 và chủ tịch công ty này từ năm 2018.
Hiện tại, doanh nhân 36 tuổi này còn làm lãnh đạo hàng loạt doanh nghiệp khác như chủ tịch Công ty Dây cáp điện Việt Nam, chủ tịch Công ty TNHH Thiết bị điện, phó chủ tịch Công ty TNHH S.A.S - CTAMAD, phó chủ tịch Công ty Hạ tầng Fecon.
Tương tự, Địa ốc Sài Gòn (Saigonres), Nhựa Pha Lê, Bibica, Xuất nhập khẩu Bình Thạnh, cũng được HoSE nhắc nhở về việc thay ‘tướng’. Theo quy định có thể phạt tiền từ 50 - 70 triệu đồng.
Nhà mặt phố ế ẩm, bán không ai mua, cho thuê cũng ế
Từ đầu năm đến nay, những tại các tuyến phố vốn kinh doanh rất sầm uất từ trước đến nay như khu phố cổ Hà Nội như Hàng Ngang, Hàng Đào (quận Hoàn Kiếm), phố Giảng Võ, Kim Mã... đồng loạt gắn biển cho thuê nhà. Đây vốn là những khu vực được đánh giá "đất vàng” tại trung tâm Hà Nội với mức giá rao bán lên đến hàng chục tỷ đồng/m2.
Trước khi chưa có dịch, khách hàng kinh doanh nếu muốn thuê những nơi rất khó. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, do tác động của dịch bệnh khiến hoạt động kinh doanh trở nên khó khăn. Một số chủ nhà treo biển rao bán từ đầu mùa dịch đến nay cả nửa năm vẫn không bán được.
Tại TP.HCM, giá rao bán nhà mặt phố bắt đầu ghi nhận xu hướng giảm ở biên độ nhỏ. Ví dụ, quận 1, Tân Bình, Tân Phú... xuất hiện tin rao bán nhà mặt tiền giảm 1% - điều chưa từng xảy ra ở giai đoạn từ năm 2019 trở về trước.
Đề xuất điện 1 giá: Người dùng ít chịu thiệt, chỉ lợi cho người giàu?
Nhiều ý kiến cho rằng, giá bán lẻ điện một giá chỉ có lợi đối với khách hàng dùng nhiều, còn người dùng ít phải chịu thiệt |
Bộ Công Thương đang lấy ý kiến dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện để sửa đổi Quyết định 28/2014. Tại dự thảo này, Bộ Công Thương đưa ra 2 phương án tính giá điện sinh hoạt. Trong 2 phương án này, có phương án cho phép người dùng điện được lựa chọn một giá điện thay vì dùng bậc thang lũy tiến.
Theo đó, với giá điện bậc thang mới, nhóm khách hàng dùng 400 số trở xuống có số tiền điện phải đóng ít hơn so với bậc thang cũ. Tuy nhiên, nếu nhóm khách hàng này lựa chọn dùng điện một giá, thì số tiền phải đóng lại tăng hơn rất nhiều so với việc sử dụng giá điện bậc thang.
Trong khi đó, theo số liệu của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN), số hộ sử dụng điện dưới 400 kWh lên đến hơn 22 triệu hộ. Như vậy, trong biểu giá điện mới này, có ít nhất 22 triệu hộ dân không thể chọn cách trả điện một giá.
Tương tự, với bậc thang mới, khách hàng dùng từ 401 - 700 kWh/tháng, số tiền điện phải trả cao hơn so với bậc thang cũ, tuy nhiên mức tăng không đáng kể. Tuy nhiên, nếu lựa chọn điện một giá, khách hàng sẽ phải trả chênh lệch thêm từ 102.000 - 233.000 đồng/tháng, tùy chọn phương án 1 giá 2.703 đồng hay 2.890 đồng/kWh. Do đó, khách hàng dùng dưới 700 kWh/tháng cần cân nhắc kỹ việc lựa chọn điện một giá. Trong khi đó, theo Bộ Công Thương, có đến 98,2% số hộ có mức sử dụng điện dưới 700 kWh.
Có thể thấy, giá bán lẻ điện một giá chỉ có lợi đối với khách hàng sử dụng từ 700-900 KWh/tháng trở lên. Với bậc thang mới, theo phương án 2A, khách hàng dùng 800 số có số tiền điện phải đóng cao hơn 220.912 đồng/tháng so với bậc thang hiện hành; còn với phương án 2B, mức chênh lệch giữa cách tính theo bậc thang hiện hành và bậc thang mới là không đáng kể. Tuy nhiên, nếu dùng điện một giá, số tiền khách hàng này phải đóng thấp hơn nhiều so với việc dùng điện bậc thang. Do đó, khách hàng dùng 701 số trở lên có thể lựa chọn phương án sử dụng điện một giá.
GS. TS. Trần Đình Long, Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam cho rằng, việc áp dụng điện một giá, chỉ số ít khách hàng sử dụng lượng điện cao thì có lợi, còn đa số người sử dụng lượng điện ít sẽ rất thiệt thòi. Bởi giá dự kiến theo phương án một giá điện trong dự thảo cao gần bậc 5, chứ không phải trung bình bậc 3. Điều này khiến những người tiêu dùng ít điện chịu thiệt.
Được mùa, giá nhãn rẻ như cho
Giá nhãn năm nay chỉ bằng 1/2 năm ngoái |
Sản lượng nhãn ghi nhận tại các tỉnh phía Bắc năm nay tăng trưởng trên 30% do thời tiết thuận lợi cũng như kỹ thuật canh tác ngày càng hoàn thiện. Hưng Yên và Sơn La là 2 "vựa nhãn" lớn nhất khu vực miền Bắc. Tại Hưng Yên dự kiến sẽ thu hoạch tầm 50.000 tấn. Tỉnh Sơn La cũng dự kiến lượng nhãn thu hoạch năm nay lên tới trên 70.000 tấn.
Tuy nhiên, dịch bệnh tái phát đúng thời điểm các “vựa nhãn” vào chính vụ nên xuất khẩu nhãn gặp khó, tiêu thụ trong nước cũng chậm lại.
Tại TP Cần Thơ và nhiều tỉnh vùng ĐBSCL như: Hậu Giang, Vĩnh Long... nhãn tiêu da bò được nông dân bán xô cho thương lái và các vựa thu mua trái cây chỉ với giá 6.000-7.000 đồng/kg. Giá nhãn Ido đang ở mức 14.000-15.000 đồng/kg; còn nhãn xuồng ở mức 29.000-30.000 đồng/kg.
Giá nhãn giảm do đầu ra nhiều loại nhãn đang gặp khó khi sức tiêu thụ bị giảm ở cả thị trường trong nước và xuất khẩu do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, nhất là xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Ngoài ra, giá giảm còn do nguồn cung tăng vì thời gian qua người dân tại vùng ĐBSCL tăng diện tích trồng nhãn và gần đây nhãn bước vào vụ thu hoạch rộ.
Tại Hưng Yên, giá bán nhãn tại vườn vào năm ngoái trên 30.000 đồng/kg. Tuy nhiên, năm nay, theo một số hộ dân, giá nhãn xuống chỉ bằng ½ so với năm ngoái. Mức giá bán nhãn lồng loại 1 ngon nức tiếng trên thị trường cũng chỉ 30.000 đồng/kg.
Trên các chợ mạng, giá nhãn lồng Hưng Yên được rao bán chỉ dao động từ 15 - 20.000 đồng/kg. Ngoài ra, không chỉ có nhãn lồng Hưng Yên rớt giá mà các chế phẩm từ nhãn cũng giảm theo.
Tương tự, tại Sơn La, giá nhãn thấp hơn từ 5 - 10 nghìn/kg so với năm ngoái.
PV
Giá vàng tăng giảm đánh đố, cửa hàng vàng lớn ghi giấy nợ tiền, giao dịch thưa thớt
Giá vàng tăng giảm trồi sụt mấy ngày qua khiến người dân có tâm lý mua bán khác nhau. Nhưng với ai thực sự cần tiền dùng vào công việc họ mới đem bán vàng bởi khoảng cách giữa giá mua và giá bán ra chênh từ 3-4 triệu đồng/lượng.