“Đế chế dầu mỏ” Saudi Arabia toan tính gì với châu Âu?
Giá dầu đang tụt dốc không phanh do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Ảnh:Reuters. |
Hãng tin Reuters trích dẫn các nguồn tin cho hay, các nhà máy lọc dầu ở châu Âu đã quyết định giảm lượng mua nguyên liệu từ Saudi Arabia từ tháng Tư, bất chấp việc nước này đề nghị hạ giá. Bởi vì, nguồn cung không cần thiết do nhu cầu giảm mạnh từ thị trường.
Đầu tháng 3, Saudi Arabia thông báo có thể tăng gấp ba nguồn cung dầu thô cho châu Âu với mức chiết khấu lớn, theo đó quốc gia Trung Đông này sẵn sàng vận chuyển dầu nhẹ Arab Light tới cảng Rotterdam lớn nhất châu Âu với mức giá 25 USD/ thùng. Do đó, thị trường dầu mỏ châu Âu có thể sẽ trở thành nơi cạnh tranh khốc liệt nhất giữa Saudi Arabia và Nga.
Được biết, khối lượng giao hàng bổ sung dao động trong khoảng 25-200%, tùy từng doanh nghiệp.
Theo một thương nhân giấu tên, việc cắt giảm một phần sản xuất từ phía các nhà máy lọc dầu không cho phép chúng tôi ký kết hợp đồng giao hàng với khối lượng lớn.
Ngoài ra, nguồn tin khác cho rằng, trong số các khách hàng cắt giảm việc mua dầu từ Saudi Arabia có hãng Shell, một trong những công ty lớn nhất trên thị trường dầu mỏ. Giới thương nhân dự đoán rằng các lô hàng vào tháng 4 tới có thể giảm tới 25%.
Theo đánh giá của chuyên gia hàng đầu Amrita Sen thuộc cơ quan tư vấn về dầu mỏ Energy Aspects, Saudi Arabia sẽ giảm giá dầu mạnh đến mức dầu thô của nước này sẽ loại bỏ dầu Urals của Nga và các thương hiệu dầu thô khác khỏi các nhà máy lọc dầu trong khu vực, trừ phi các thương hiệu dầu này cũng phải giảm giá.
Việc giữa Nga và Saudi Arabia không nhất trí cắt giảm thêm sản lượng khai thác, trong khi Saudi Arabia từ chối gia hạn thỏa thuận theo điều kiện hiện tại, nước này tuyên bố có kế hoạch tăng mạnh lượng xuất khẩu lên tới ba triệu thùng mỗi ngày. Để trả đũa, Moscow cũng làm điều tương tự, khiến giá dầu lao dốc không phanh.
Thông qua việc giá dầu tụt xuống mức thấp kỷ lục trong những thập niên gần đây, Saudi Arabia dự định đánh bật Nga ra khỏi các thị trường truyền thống, bao gồm cả thị trường châu Âu.
Các chuyên gia của hãng Goldman Sachs Group Inc. nhận định trong điều kiện hiện tại, ở bối cảnh nhu cầu giảm tới mức như vậy thì không gì có thể khiến giá dầu tăng trở lại. Theo tính toán của họ, ngay cả khi Nga, Saudi Arabia và Mỹ nhất trí được với nhau, thì tình trạng dư thừa nhiên liệu không thể khắc phục được trong những tháng tới.
Về phía Saudi Arabia, giám đốc của tập đoàn dầu mỏ Aramco Amin Nasser cho biết, họ sẽ tăng sản lượng lên 12,3 triệu thùng/ ngày vào tháng 4. Ngoài ra, Saudi Arabia cũng đồng ý với Kuwait trong việc nối lại hoạt động ở các mỏ dầu chung để góp phần tăng sản lượng cho Aramco.
Theo Bloomberg, tập đoàn Rosneft của Nga cũng có kế hoạch tăng sản lượng thêm 300.000 thùng/ ngày và có thể đạt mức này trong tuần đầu tiên hoặc tuần thứ hai của tháng 4.
Đầu tháng 02/2019, IEA đã dự báo nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu năm 2020 sẽ tăng 825.000 thùng/ngày. Tuy nhiên, do tác động tiêu cực của Covid-19, IEA nhận định, tiêu thụ dầu thô toàn cầu trung bình sẽ giảm 90.000 thùng/ ngày so với năm 2019.
Bên cạnh đó, IEA nhận định, ở kịch bản lạc quan khi thế giới đẩy lùi sớm Covid-19, nhu cầu tiêu thụ dầu thô năm 2020 có thể tăng 410.000 thùng/ ngày. Ở kịch bản bi quan, nhu cầu tiêu thụ có thể giảm tới 730.000 thùng/ngày. Đến năm 2021, tổ chức này cũng kỳ vọng thị trường tiêu thụ thế giới phục hồi và có thể tăng trưởng hàng năm xấp xỉ 1 triệu thùng/ ngày.