ĐBSCL đối diện nhiều rủi ro trước biến đổi khí hậu và đập thủy điện
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang phải “đương đầu” với các vấn đề mới, chất lượng nguồn nước mặt, sử dụng nguồn nước ngầm, sự sụt lún đất cũng là một vấn đề đáng quan tâm...
Ngày 23/10, Trường Đại học Cần Thơ phối hợp với Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, Cục Khảo sát địa chất Mỹ (USGS) và Đại học quốc gia Seoul (SNU - Hàn Quốc) tổ chức Hội thảo trực tuyến với chủ đề “Ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu lưu vực sông Mê Công - kêu gọi giải pháp để thích ứng”.
Hội thảo có sự tham gia của các đại biểu là các nhà khoa học trong và ngoài nước.
Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học cho rằng, vấn đề biến đổi khí hậu (BĐKH) đang tác động đến toàn cầu, trong đó có Việt Nam nói chung và vùng ĐBSCL nói riêng. BĐKH đã gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng cần chú ý đối với vùng, tập trung: vấn đề nguồn nước, lũ lụt, hạn hán, sự dâng lên của mặt nước biển và sụt lún đất.
Vấn đề biến đổi khí hậu đang tác động đến toàn cầu, trong đó có Việt Nam, gây ra nhiều hiện tượng thiên tai như lũ lụt, hạn hán... (Ảnh minh họa) |
Ảnh hưởng kép của BĐKH và các đập thủy điện ở thượng nguồn sông Mê Kông càng trở thành vấn đề khó khăn hơn đối với khu vực ĐBSCL. Ngày càng có nhiều thiên tai, lũ lụt, các hiện tượng cực đoan, chất lượng nguồn nước và mạch nước ngầm… Đòi hỏi phải có những đánh giá, giải pháp, chính sách để thích ứng trong thời gian tới.
Chia sẻ tại Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Hiếu Trung, Phó Hiệu trưởng Đại học Cần Thơ cho hay: “Biến đổi khí hậu toàn cầu ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động của con người. Thế giới đã nỗ lực với nhiều hoạt động để thích ứng cũng như giảm thiểu tác động của BĐKH đối với con người.
Song, Việt Nam ghi nhận ngày càng nhiều cơn bão, những hiện tượng cực đoan BĐKH diễn ra ở ĐBSCL ngày càng khắc nghiệt hơn và kéo dài. Việc trao đổi thông tin giữa các nhà khoa học cùng hợp tác để có sự hiểu biết sâu rộng hơn trước những BĐKH là rất cần thiết.
Từ đó, thúc đẩy sự hợp tác quốc tế, hy vọng các giải pháp đưa ra và nhân rộng ở nhiều địa phương ĐBSCL”.
“ĐBSCL là đồng bằng trẻ đang bị sụt lún, do khai thác nước ngầm tự do nhiều khiến ngập lún, thực chất nước ngầm là tài nguyên quý, giảm khai thác nước ngầm sẽ giảm sụt lún” - PGS.TS Văn Phạm Đăng Trí, Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (ĐH Cần Thơ) nhận định.
Trong khi đó, GS. Jiagou Qi, Đại học Michigan (Mỹ) rất quan tâm đến những thách thức đặt ra từ các đập thủy điện trên sông Mê Kông.
“Một trong những lý do làm nghiêm trọng thêm vấn đề BĐKH là đập thượng nguồn làm giảm nước ở hạ nguồn khiến xâm nhập mặn gia tăng, ảnh hưởg đến sản xuất nông nghiệp ĐBSCL. Việc không có lũ là một khó khăn lớn, người dân đã quen với lũ nên việc phát triển các đập thủy điện ảnh hưởng rất lớn đến mọi mặt đời sống” - GS. Jiagou Qi cho biết.
Các nhà khoa học cho rằng, cần đưa ra chiến lược thích ứng phù hợp; nghiên cứu những tình huống đã qua để xây dựng được các kịch bản; các mô hình để đưa ra hệ thống cảnh báo phù hợp cho cộng đồng và cho Chính phủ.
Đối với lũ lụt, cần phải được dự đoán và phát triển hệ thống dự đoán hiệu quả, xây dựng hệ thống cảnh báo sớm. Chú ý những sự kiện chưa bao giờ xảy ra đã xảy ra; xây dựng cơ sở hạ tầng, công cộng bền vững; xây dựng các kịch bản đối phó thảm họa và hoạt động đối phối với thảm họa.
Ảnh hưởng kép của BĐKH và các đập thủy điện ở thượng nguồn sông Mê Kông càng trở thành vấn đề khó khăn hơn đối với khu vực ĐBSCL. Ngày càng có nhiều thiên tai, lũ lụt, các hiện tượng cực đoan, chất lượng nguồn nước và mạch nước ngầm… đòi hỏi phải có những đánh giá, giải pháp, chính sách để thích ứng trong thời gian tới.
Thống kê gần đây cho thấy trong 10 năm trở lại đây, đã có 1,7 triệu người đã di cư ra khỏi Đồng bằng sông Cửu Long, trong khi chỉ có 700.000 người mới chuyển đến, tỷ lệ di cư này là gấp hai lần trung bình cả nước.
Tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và miền Trung, hạn hán lại tiếp tục tái diễn trong năm 2019-2020 với quy mô lớn và mức độ khốc liệt hơn so với đợt hạn hán, xâm nhập mặn năm 2016. Trong năm 2020, nguồn nước trên các sông, suối khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên suy giảm và thiếu hụt so với trung bình nhiều năm cùng kỳ từ 35% đến 70%, một số sông thiếu hụt trên 80%.
PV