Đẩy mạnh hậu kiểm và thanh kiểm tra về chất lượng thuốc
Ảnh minh hoạ |
Tiếp tục triển khai Công văn số 13719/QLD-CL ngày 23/8/2013, Cục Quản lý Dược đã yêu cầu hệ thống kiểm tra chất lượng thuốc nhà nước thực hiện kiểm tra chất lượng 100% các lô thuốc nhập khẩu của các công ty sản xuất thuốc nước ngoài đã có thuốc vi phạm chất lượng trong quá trình lưu hành thuốc tại Việt Nam.
Tính đến nay, đã có 103 cơ sở sản xuất nước ngoài phải kiểm tra theo tinh thần công văn trên, phát hiện và ngăn chặn đưa ra thị trường 83 lô thuốc không đạt chất lượng. Năm 2014 phát hiện 70 lô, 2015 phát hiện 6 lô và tính từ đầu năm 2016 đến nay chỉ phát hiện 02 lô thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng.
Bộ Y tế đã phối hợp công tác với các cơ quan liên quan, Công an, Hải quan, Quản lý thị trường, Ban chỉ đạo 389 Trung ương, ...thành lập Ban chỉ đạo 389 Bộ Y tế nhằm tăng cường các hoạt động hậu kiểm, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý kịp thời, nghiêm khắc các cơ sở, cá nhân kinh doanh thuốc kém chất lượng, thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Hiện nay, Bộ Y tế cũng đang phối hợp với các bộ ngành liên quan xây dựng dự thảo Nghị định Chính phủ hướng dẫn chi tiết một số điều của Luật Dược 2016; trong đó quy định chi tiết các nội dung cụ thể về điều kiện của các cơ sở sản xuất thuốc, việc kiểm tra đối với cơ sở sản xuất nước ngoài...trách nhiệm của các cơ quan quản lý và của doanh nghiệp.
Tham mưu, đề xuất về việc phân cấp quản lý nhà nước để phát huy khả năng và tính chủ động của y tế địa phương; kết hợp với việc đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW hỗ trợ nhân lực và tài chính cho cơ quan quản lý dược, thanh tra, kiểm nghiệm thuộc Sở Y tế để tăng cường vai trò kiểm tra, giám sát của y tế địa phương.
Bộ Y tế đang triển khai các dự án nhằm nâng cao năng lực của hệ thống kiểm nghiệm thuốc. Triển khai dự án nâng cấp 02 Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương và Viện Kiểm nghiệm thuốc Tp. Hồ Chí Minh đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Nhờ áp dụng các biện pháp trên, tỷ lệ thuốc giả, thuốc kém chất lượng đã giảm rõ rệt: tỷ lệ thuốc giả từ 7% năm 1990 xuống còn dưới 0,1%; tỷ lệ thuốc kém chất lượng ở mức dưới 3%, trong đó, năm 2015 là 2,00%.