Xử lý 'cậu nhỏ' của con trai thường xuyên đau sưng
Chị Nguyễn Cúc Hương (34 tuổi,ngụ tại TP.HCM) chia sẻ con trai chị hay bị sưng đau ở vùng đầu dương vật. Mỗi lần con bị sưng đau, chị Hương lại cho con ra phòng khám gần nhà để bác sĩ nặn mủ, sử dụng kháng sinh cho bé. Vì bị tái đi tái lại nên bé rất sợ khi thấy "cậu nhỏ" của mình sưng đau.
Chị Hương đọc trên báo chí thấy hẹp bao quy đầu có thể gây ung thư trong tương lai nên cho bé đi khám. Bác sĩ khám lâm sàng cho bé thấy có hiện tượng dài da quy đầu và có sẹo xơ nên được chỉ định phẫu thuật cắt.
Trường hợp khác con của chị Đỗ Thị Mai (40 tuổi, trú tại Bình Chánh, TP.HCM) đến khám trong tình trạng bao quy đầu của bé sưng tấy. Chị Mai cho biết bé bị nghẹt bao quy đầu, chị Mai lên mạng tìm cách nong bao quy đầu cho con nhưng vì chặt quá nên chị đã cho bé tới nhà một y tá ở trong xóm để nong tách bao quy đầu khiến bé bị viêm sưng tấy.
Năm 2017, tại Hưng Yên mấy chục trẻ nam từ 1 đến 10 tuổi đã mắc sùi mào gà nguyên nhân là do cha mẹ cho bé tới nhà một nhân viên y tế để làm thủ thuật nong bao quy đầu. Vì dụng cụ không đảm bảo vệ sinh khiến hàng loạt trẻ lây nhiễm sùi mào gà.
Bác sĩ chuyên khoa II Huỳnh Cao Nhân – trưởng khoa Ngoại Tiết niệu, BV Nhi đồng Thành phố Hồ Chí Minh cho biết thực tế khi khám bệnh cho các bệnh nhi bác sĩ gặp nhiều tình huống trẻ nam được bố mẹ đưa đi khám vì tình trạng bao da quy đầu không kéo lên được. Bé trai sinh ra đều ở trạng thái da quy đầu rủ xuống phủ quy đầu. Bao quy đầu của trẻ chưa thể tụt lên được nên gọi là hẹp bao quy đầu.
Hẹp bao quy đầu có hẹp bao quy đầu bệnh lý và sinh lý. Hẹp bao quy đầu sinh lý tất cả trẻ đều có bao quy đầu hẹp chưa tụt ra được.
Còn hẹp bệnh lý là bao quy đầu viêm nhiễm nhiều lần, hình thành sẹo xơ ở đó chúng ta không nhìn thấy được niệu đạo.
BS Nhân cho biết nhiều ba mẹ thường lo lắng khi thấy con nổi cục gì ở dưới da quy đầu nhưng đây là các chất bã tiết ra. Chất bã này là tiến trình sinh lý bình thường để giữ ẩm quy đầu. Khi bã này nhiều nó hình thành các kén màu vàng nhạt ở da quy đầu có thể hình tròn, hình bầu dục.
Nhưng nếu vệ sinh kém thì tuyến này có thể bị nhiễm trùng, tiết mủ khi đó phải đưa trẻ đi viện để thăm khám cho bé.
Nếu hẹp bao quy đầu bệnh lý gây phiền toái cho trẻ, gây tiểu khó, trẻ đi tiểu đau, tia nước tiểu yếu, khi trẻ đi tiểu da quy đầu phồng lên thì cần cho trẻ đi đến bác sĩ khám để có thể điều trị thích hợp.
Hẹp bao quy đầu ở trẻ cũng có thể gây biến chứng như viêm nhiễm da quy đầu, gây sưng đỏ, đau, có mủ khiến trẻ đau, sợ đi tiểu. Một số trẻ bị nghẹt bao quy đầu không xử lý kịp thời thì quy đầu thiếu máu nuôi gây hoại tử da vùng quy đầu.
Vì vậy, khi thấy con có dấu hiệu đi tiểu khó, đi tiểu đau, da quy đầu phồng lên lúc đi tiểu cha mẹ nên đưa con đến khám để xác định xem trẻ có hẹp bao quy đầu hay không?
Theo bác sĩ Nhân bất cứ trẻ nào cũng có thể hẹp bao quy đầu nhất là trẻ vệ sinh kém. Trẻ hẹp bao quy đầu bác sĩ chỉ định điều trị cho từng trẻ. Có trường hợp trẻ không cần điều trị, khi lớn da quy đầu tự tụt được.
Về chỉ định cắt bao quy đầu cho trẻ trong trường hợp hẹp bao quy đầu bệnh lý, có sẹo xơ, dính không tự tụt được. Tuy nhiên, BS Nhân cho biết cũng có trường hợp vì lý do gì đó gia đình muốn cắt da bao quy đầu cho bé.
Trẻ hẹp bao quy đầu không điều trị dứt điểm khi trẻ trưởng thành có thể gây nghẹt bao quy đầu, lúc đó bệnh nhân vẫn phải đi điều trị.
Sau cắt bao quy đầu cho trẻ, cha mẹ cần giữ vệ sinh thật kỹ cho con để tránh nhiễm trùng nhất là trẻ đi tiểu xong. Có thể vệ sinh bằng nước muối sinh lý, hạn chế vận động cho trẻ để giảm sưng đau cho trẻ.
K.Chi