Đặt căn cứ quân sự ở nước ngoài - Mỹ đang tự hại mình?
Theo tạp chí The Diplomat, Mỹ hiện đang duy trì hoạt động của gần 800 căn cứ quân sự trên toàn thế giới với sự góp mặt của hơn 230.000 binh sĩ. Khoảng 80.000 quân nhân hiện đang đóng quân tại khu vực Đông Á và Thái Bình Dương.
Trong đó, 50.000 binh sĩ hoạt động tại 109 căn cứ ở Nhật Bản và 28.000 quân nhân làm nhiệm vụ tại 85 căn cứ ở Hàn Quốc. Châu Âu vẫn là nơi đóng quân của 65.000 quân nhân Mỹ với 58 căn cứ ở Ý và 179 căn cứ ở Đức.
Căn cứ quân sự của Mỹ trên đảoOkinawa, Nhật Bản. |
Toàn bộ căn cứ quân sự lớn của Mỹ ở nước ngoài được đưa vào hoạt động từ trước Thế chiến thứ Hai và bắt đầu giai đoạn Chiến tranh Lạnh.
Sau 6 năm nghiên cứu, Giáo sư David Vine tại Đại học Mỹ đã cho ra mắt cuốn sách mới mang tên "Base Nation: How U.S. Military Bases Abroad Harm America and the World" (Tạm dịch: Các căn cứ quân sự ở nước ngoài đã làm hại nước Mỹ và cả thế giới như thế nào). Theo ông Vine, việc đặt các căn cứ quân sự ở nước ngoài đang làm xói mòn chính sách an ninh quốc gia cũng như quyền lực mềm ở nước ngoài của Mỹ.
Ông Vine còn trích lời bình luận của cựu Giáo sư Học viên quân sự Mỹ, ông Bradley L. Bowman cho rằng các căn cứ quân sự ở Trung Đông trở thành "chất xúc tác chính khơi mào chủ nghĩa chống Mỹ và chủ nghĩa cực đoan". Điều này được thể hiện qua mối tương quan giữa số lượng căn cứ quân sự của Mỹ với số binh sĩ trong khu vực và hoạt động tuyển quân của mạng lưới khủng bố al-Qaeda.
Ông Bowman nhấn mạnh các căn cứ quân sự ở nước ngoài có xu hướng làm gia tăng căng thẳng chính trị và phá hỏng mọi nỗ lực ngoại giao nhằm giải quyết xung đột. Đối với Trung Quốc, Nga và Iran, các căn cứ quân sự của Mỹ nằm gần khu vực biên giới của họ, được xem là những mối đe dọa buộc họ phải tăng chi tiêu quốc phòng. Thậm chí, các căn cứ nước ngoài của Mỹ có thể khiến chiến tranh dễ bùng nổ hơn và khiến an ninh nước Mỹ ngày càng bị đe dọa.
Còn theo ông Vine, nếu Mỹ từ bỏ các căn cứ quân sự ở nước ngoài, đây sẽ là dấu hiệu khiến đồng minh của Washington mà cụ thể ở châu Á và châu Âu cho rằng Mỹ đang có xu hướng đi theo chủ nghĩa cô lập. Đây còn là cơ hội để chính sách ngoại giao theo chủ nghĩa xét lại của Nga và sức mạnh quân sự ngày càng lớn của Trung Quốc gây mất ổn định và đe dọa nền hòa bình thế giới.
Trong khi đó, tác giả của bài bình luận mang tên “Peace and Democracy in two Systems: External Policy and Internal Conflict”, ông John W. Dower cũng từng đưa ra những nhận định liên quan tới căn cứ quân sự của Mỹ tại Nhật Bản trong giai đoạn Chiến tranh Lạnh.
Theo ông Dower, sứ mạng đầu tiên của các lực lượng và căn cứ quân sự của Mỹ tại Nhật Bản như trên đảo Okinawa không phải là bảo vệ trực tiếp Nhật Bản mà là tăng cường sức mạnh của Mỹ tại châu Á và "hỗ trợ cho những lời cam kết" tại những khu vực khác mà giới chức Mỹ đã hứa hẹn.
Về phần mình, Giáo sư Vine cho rằng việc duy trì các căn cứ quân sự ở những nước không theo chủ nghĩa dân chủ như Bahrain và Qatar, "càng trở nên khôi hài" khi mà Mỹ tuyên bố các cơ sở quân sự sẽ giúp "mở rộng nền dân chủ ở các quốc gia này". Nói cách khác, căn cứ quân sự đang làm ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lực mềm của Mỹ ở nước ngoài.
"Trên khắp thế giới, các căn cứ của Mỹ đã làm ảnh hưởng không nhỏ tới môi trường, gây ra tình trạng tái định cư, nạn mại dâm, tai nạn và tội phạm", ông Vine nhận định.
Ông Vine ước tính mức lương mà quân nhân biên chế của Mỹ đóng quân ở căn cứ quân sự nước ngoài được nhận thường cao hơn quân nhân trong nước khoảng 10.000 USD – 40.000 USD. Ngoại trừ 2 khu vực là Afghanistan và Iraq, tổng chi phí mà Mỹ phải trả để duy trì hoạt động của các căn cứ quân sự ở nước ngoài và cho binh sĩ vào khoảng 85 ngàn tỷ USD trong năm 2014.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin The Diplomat, một tạp chí có trụ sở ở Tokyo, chuyên về chính trị, văn hóa và xã hội tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.