Đáp trả Trung Quốc, Nghị sỹ Nhật đưa thuyền ra Senkaku/Điếu Ngư
Theo Hãng tin AFP, vào 5 giờ sáng ngày 1/7, 4 tàu hải giám Trung Quốc đã xâm nhập khu vực cách quần đảo Senkaku/Điếu Ngư 12 hải lý.
![]() |
Tàu Nhật Bản gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. |
Tuy nhiên, không ai có ý định lên bất cứ hòn đảo nào trong quần đảo mà Nhật Bản đang kiểm soát và gọi là Senkaku còn Trung Quốc gọi là Điếu Ngư.
Một quan chức của Đài truyền hình vệ tinh Sakura nói với hãng tin AFP rằng: "Mục đích của việc phái các tàu đánh cá là để đánh bắt cá trong những vùng biển này”.
Vị quan chức trên cho biết thêm: "Hầu hết những người làm nhiệm vụ là ngư dân”, nhưng lưu ý rằng Kenji Yamada, một nghị sĩ và thành viên Đảng Dân chủ Tự do của Thủ tướng Shinzo Abe cũng có mặt trên một trong 4 chiếc tàu. Ông nói, các tàu Nhật Bản đã rời khỏi khu vực này vào buổi chiều cùng ngày.
Trong nhiều tháng qua, tàu Nhật và Trung Quốc đã rất nhiều lần đối đầu trên vùng biển giàu tài nguyên quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Bộ Ngoại giao Nhật Bản đã gọi điện cho đại sứ quán Trung Quốc ở Tokyo để phản đối sự hiện diện của các tàu Trung Quốc. Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản (JCG) cho biết, 4 tàu này đã đi quanh hòn đảo lớn nhất trong quần đảo trước khi rời đi.
Tranh chấp chủ quyền kéo dài 4 thập kỉ giữa Nhật Bản và Trung Quốc đối với Senkaku/Điếu Ngư đã bị khơi lại hồi tháng Chín năm ngoái khi Tokyo quốc hữu hóa ba hòn đảo trong chuỗi đảo này. Trong khi Nhật Bản cho đây là một sự thay đổi hành chính đơn thuần về quyền sở hữu, thì Bắc Kinh lại cảm thấy phẫn nộ.
Nhiều chuyên gia cho rằng tranh chấp trên là một yếu tố có thể gây ra cuộc đối đầu quân sự giữa hai cường quốc lớn nhất Châu Á.
Trước đó, hôm 30/6, Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản cho biết tàu nghiên cứu hàng hải mang tên Discoverer2, đăng kiểm tại Bahamas đã đi vào vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Nhật Bản, gần quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư, và hạ một lưới thép xuống vùng biển này.
Discoverer2 đã chuyển thông điệp tới một tàu tuần tra JCG rằng tàu này thuộc một tổ chức của Trung Quốc và đã nhận được sự chấp thuận từ phía Chính phủ Trung Quốc.
EEZ là một khu vực 200 hải lý xung quanh một lãnh thổ mà các quốc gia có chủ quyền cóđộc quyền khai thác tài nguyên.