Đánh hội đồng tài xế do để xe ô tô chạy chèn vào đống cát: Đủ để khởi tố hình sự
Một đoạn clip trích từ camera hành trình của xe ô tô ghi lại vụ việc tài xế bị đánh hội đồng vào trưa 19/9 đang lan truyền trên mạng xã hội.
Theo clip, vào lúc 13h39' trưa 19/9, trên một đoạn đường nhỏ qua khu dân cư, hai bên đường có một bãi gỗ và một đống cát đổ tràn ra lòng đường, nam tài xế điều khiển xe ô tô di chuyển qua đã chèn bánh xe lên một phần đống cát bên trái đường.
Lúc này một người đàn ông cởi trần từ trong nhà đi ra chỉ vào đống cát và cự cãi qua lại với tài xế ô tô. Tiếp đó, một người đàn ông khác từ trong nhà ra đã thẳng tay đánh vào mặt tài xế.
Những tưởng người đàn ông lúc đầu sẽ can ngăn nhưng không, ông cũng hùa theo người tới sau đánh nam tài xế.
Người dân trong các nhà gần đó chạy vội ra, có một số người can ngăn nhưng nhiều người khác cũng lao vào đánh hội đồng nam tài xế. Thậm chí có người còn chạy tới đống gỗ lấy một cây gậy dài lao tới hành hung.
Đoạn clip nhanh chóng lan truyền trên mạng xã hội thu hút hàng triệu lượt xem, hàng trăm nghìn lượt bình luận, bày tỏ cảm xúc và chia sẻ từ cộng đồng mạng. Hành động đánh hội đồng nam tài xế của những người dân đã nhận về vô số lời chỉ trích từ cư dân mạng.
Trao đổi với PV Infonet về vụ việc nêu trên, luật sư Đỗ Thành Hưng – VPLS Trung Hòa (Hà Nội) cho biết: “Với hành vi đánh hội đồng tài xế lái xe, các đối tượng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích theo quy định tại khoản 1, Điều 134, BLHS 2015, sửa đổi bổ sung 2017 (BLHS 2015).
Theo đó, các đối tượng có thể chịu hình phạt là phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 3-6 năm. Ngoài ra, theo quy định tại Điều 584, 585 BLDS 2015 thì người có hành vi xâm phạm sức khỏe của tài xế mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.
Thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật...”.
“Hành vi đánh hội đồng tài xế chỉ vì để ô tô chèn vào đống cát của nhóm đối tượng nêu trên là hành vi phạm tội có tính chất côn đồ. Để áp dụng tình tiết “có tính chất côn đồ” trong tội cố ý gây thương tích, TANDTC đã có văn bản hướng dẫn và tại Hội nghị tổng kết công tác ngành TAND năm 1995 giải thích:
“Khái niệm côn đồ được hiểu là hành động của những tên coi thường pháp luật, luôn luôn phá rối trật tự trị an, sẵn sàng dùng vũ lực và thích (hay) dùng vũ lực để uy hiếp người khác phải khuất phục mình, vô cớ hoặc chỉ vì một duyên cớ nhỏ nhặt là đâm chém, thậm chí giết người. Hành động của chúng thường là xâm phạm sức khỏe, tính mạng, danh dự người khác, gây gổ hành hung người khác một cách rất vô cớ hoặc vì một duyên cớ nhỏ nhặt...”
Hành vi hành hung tài xế lái xe của đối tượng dùng gậy gỗ là hành vi cố ý gây thương tích dùng phương tiện nguy hiểm (đoạn gậy cứng, chắc). Quy định này được hướng dẫn tại Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
Theo đó, "phương tiện nguy hiểm" là công cụ, dụng cụ mà người phạm tội chế tạo ra nhằm làm phương tiện thực hiện tội phạm hoặc vật có sẵn trong tự nhiên mà người phạm tội có được và nếu sử dụng công cụ, dụng cụ hoặc vật đó tấn công người khác thì sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng hoặc sức khoẻ của người bị tấn công.
Về công cụ, dụng cụ ví dụ: búa đinh, dao phay, các loại dao sắc, nhọn... Về vật mà người phạm tội chế tạo ra ví dụ: thanh sắt mài nhọn, côn gỗ... về vật có sẵn trong tự nhiên, ví dụ: gạch, đá, đoạn gậy cứng, chắc, thanh sắt...”, luật sư Đỗ Thành Hưng nhận định.
Từ nhận định nêu trên, luật sư Đỗ Thành Hưng phân tích: “Trường hợp khởi tố tội phạm tại khoản 1, Điều 134, BLHS2015, cơ quan có thẩm quyền chỉ được khởi tố vụ án hình sự khi có yêu cầu của bị hại theo quy định tại Điều 155, BLTTHS 2015.
Đối với hành vi đổ, để trái phép vật liệu trong phạm vi đất dành cho đường bộ thì cá nhân thực hiện hành vi này có thể bị phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng theo quy định tại điểm a, Khoản 6, Điều 12, Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt”.
Tiến Anh