Dân Triều Tiên bị ngược đãi?
Michael Kirby, một cựu thẩm phán người Úc vừa mới được giao nhiệm vụ điều tra về "những vi phạm nghiêm trọng, phổ biến và có hệ thống” các quyền của con người tại Triều Tiên.
Các thành viên khác của Ủy ban nghiên cứu này bao gồm nhà vận động nhân quyền, đồng thời là một chuyên gia về tội ác chiến tranh Serbia, Sonja Biserko, và Marzuki Darusman, một cựu tổng chưởng lý người Indonesia, người đã làm việc cho Hội đồng Nhân quyền LHQ, phụ trách giám sát Triều Tiên từ năm 2010 cùng với sự hỗ trợ của nhiều nhà nghiên cứu, luật sư khác.
Ủy ban này sẽ chính thức được thành lập vào tháng 7 tới sau khi Darusman trình bày một báo cáo cáo buộc Triều Tiên có một chuỗi các hành vi vi phạm bao gồm tra tấn, giam giữ tùy tiện và tước đoạt thực phẩm.
Ông cũng nhấn mạnh những lo ngại về mạng lưới các trại tù chính trị, được cho là đang giam giữ khoảng 200.000 người.
Kirby cho biết sẽ không thiên vị và ông không hề có định kiến gì với chính phủ Triều Tiên, do chủ tịch Kim Jong-Un lãnh đạo. Ông nói: “Tôi sẽ làm việc bằng sự công bằng và đem lại cho người dân cơ hội để có tiếng nói của mình".
Ông nói thêm: "Tuy nhiên, đã có rất nhiều người liên lạc với tôi - thậm chí trong đêm. Nhiều người trong số họ đang cư trú ở những nước như Nhật Bản và Hàn Quốc, và Thái Lan”.
Triều Tiên là một trong những quốc gia cô lập nhất trên hành tinh. Nước này luôn từ chối các cơ quan của LHQ, khiến họ phải dựa phần lớn vào lời khai của những người Triều Tiên đang sống ở bên ngoài đất nước này.