Dân Mỹ nổi giận vì sự vô cảm của phóng viên New York Post
Tối ngày 3/12, người đàn ông được xác định tên là Ki Suk Han (58 tuổi) đang đứng đợi tàu điện ngầm tại ga Quảng trường Thời đại (New York, Mỹ) thì đột nhiên bị rơi xuống đường ray. Trong lúc ông Ki đang cố gắng trèo lên thì một chuyến tàu đi tới. Vụ tai nạn thảm khốc đã xảy ra và ông Ki Suk Han đã chết trên đường tới bệnh viện cấp cứu.
Khoảng khắc tuyệt vọng nhìn đoàn tàu chuẩn bị đâm vào mình của ông Ki Suk Han đã khiến cả nước Mỹ bàng hoàng và cơ giận dữ bùng lên trước sự vô cảm của tác giả bức ảnh. |
Ngày 4/12, tờ Bưu điện New York (New York Post) đã cho đăng tải trên trang nhất của mình bức ảnh nạn nhân Ki Suk Han đang cố gắng trèo lên sân ga trong sự tuyệt vọng và gần đó là chiếc đầu tàu đang rầm rập lao tới. Trên trang nhất, bài báo có tiêu đề nghe rất lạnh lùng: “Doomed” (Bị thảm sát) và lời chú thích ảnh “Bị đẩy xuống đường ray, người đàn ông này sắp chết”. Có lẽ ban biên tập của New York Post không ngờ rằng phản ứng của dư luận đối với bộ ảnh và bài báo này của họ lại trái ngược với sự tính toán của họ đến thế. Hàng ngàn người đã lập tức thể hiện sự bàng hoàng và giận dữ qua những bình luận của họ trên khắp các trang báo khác hoặc qua diễn đàn, mạng xã hội Facebook, Twitter, MySpace… trên Internet.
Tất cả các độc giả đều cho rằng, thay vì đứng trên sân ga, bình tĩnh lấy máy ảnh và “chộp được khoảnh khắc độc” cho bài báo của mình thì tay phóng viên kia nên “hành xử một cách con người hơn” bằng cách bỏ máy ảnh xuống, chạy lại kéo nạn nhân lên và rất có thể là ông Ki đã không chết.
Trang nhất của tờ New York Post số ra ngày 4/12/2012. |
Tác giả của những bức ảnh này ngay sau đó cũng đã bị lôi ra ánh sáng. Người ta xác định đó là phóng viên ảnh R. Umar Abbasi, người được New York Post sau đó thừa nhận là một phóng viên ảnh tự do (freelance photographer) đang làm việc cho mình.
Đáng buồn cười hơn, sau khi bị dư luận chỉ trích dữ dội, ban biên tập của New York Post đã đưa ra lời giải thích rất ngây ngô là: Anh phóng viên ảnh kia đã cố cảnh báo cho lái tàu về tình trạng nguy hiểm này bằng cách liên tục bấm đèn flash của máy ảnh.
“Cứ giả định là tay phóng viên đó và những người có mặt trên sân ga đã cố gắng làm tất cả mọi thứ để cứu ông Ki thì người ta vẫn có quyền đặt câu hỏi New York Post có nên đăng những bức ảnh rợn người ấy không?”, Jeff Sonderman một chuyên gia của Trung tâm nghiên cứu và đào tạo truyền thông báo chí Poynter (Mỹ) nói.
Dường như cảm thấy mức độ “giận gân, câu khách” của mình vẫn còn chưa đủ nên tờ báo này còn cố tình đi xa hơn khi thêm một dòng bình luận “Hãy tưởng tượng gia đình của người đàn ông này sẽ cảm thấy thế nào” trong bức ảnh ghi lại khoảnh khắc tuyệt vọng cuối cùng của ông Ki.
Nhà báo Ian Prior của tờ The Guardian bình luận: “Đây là một phát ngôn vô cảm nhất mà tôi từng thấy trên một tờ báo”.
Tuy nhiên, cũng có những người tỏ ra bình tĩnh hơn và thông cảm hơn đối với phóng viên ảnh Abbasi và tờ New York Post. “Những cuộc tranh cãi về vai trò và nhiệm vụ của các phóng viên, đặc biệt là phóng viên ảnh chưa bao giờ chấm dứt. Abbasi đã không sai khi thực hiện nhiệm vụ của một nhà báo”, nhà báo John Del Signore của tờ Gothamist – một tờ báo khác ở New York nhận xét, “Thật dễ dàng khi chỉ trích tờ báo và phóng viên nhưng đã mấy ai chỉ trích những người chụp ảnh, quay phim bằng smartphone rồi đăng lên Internet? Ai có thể làm thay được nhiệm vụ của các phóng viên ảnh? Họ không thể giúp những người bị thương ở Syria nhưng họ xuất bản những tấm ảnh cho cả thế giới biết rằng những người dân Syria đang đau đớn thế nào và hiệu quả đã đến ngay sau đó. Một bức ảnh nhiều khi hơn cả ngàn lời nói”.