Dân mạng 'ném gạch đá' nam nhân viên làm việc 12 tiếng/ngày được công ty vinh danh
Dân mạng "ném gạch đá" nam nhân viên làm việc 12 tiếng/ngày được công ty vinh danh vì cho rằng anh này cổ xúy làm việc thêm giờ.
Dù được công ty vinh danh là lao động tiêu biểu nhờ sự cống hiến hết mình với công việc bằng tần suất làm việc 12 tiếng/ca và 30 ngày/tháng, nhưng nam nhân viên này lại bị cộng đồng mạng Trung Quốc chỉ trích gay gắt.
Theo Odditycentral, hôm 18/2, những bức ảnh về “nhân viên tiêu biểu” của một công ty ở thành phố Trịnh Châu thuộc tỉnh Hà Nam của Trung Quốc đã nhanh chóng thu hút sự quan tâm của cộng đồng mạng nước này, cũng như làm bùng nổ cuộc tranh luận gay gắt về việc làm quá giờ.
Tấm áp phích treo ở công ty vinh danh nam nhân viên làm việc 12 tiếng/ngày và 7 ngày/tuần. (Ảnh: Odditycentral) |
Đứng giữ tấm áp phích là hình ảnh anh Xue Lintao, nam nhân viên được ca ngợi có tinh thần làm việc khiến cả các đồng nghiệp cũ và mới trong công ty phải nể phục vì đã giúp công ty tăng năng suất lao động hàng ngày, tiết kiệm tiền công chi trả cho nhân viên của ông chủ, cũng như cải thiện hiệu quả làm việc của máy móc. Anh Xue nhận được danh hiệu “nhân viên tiêu biểu” vì đã làm việc 12 tiếng/ca và suốt 30 ngày/tháng.
Dù được công ty vinh danh, nhưng anh Xue lại bị cư dân mạng phản đối và khẳng định không thể xem người đàn ông này là hình mẫu lao động. Thậm chí, không ít người gọi anh Xue là “kẻ phản bội”, hay “kẻ đồng lõa với hội quỷ ép làm thêm giờ”.
Sau một ngày “nổi đỉnh nổi đám” trên mạng xã hội, anh Xue đã lên tiếng đính chính thông tin. Anh Xue khẳng định không ai ép buộc mình phải làm việc 12 tiếng đồng hồ mỗi ngày. Anh làm việc trên tinh thần tự nguyện, bởi mức lương tháng mà anh Xue nhận được tính dựa trên tổng thời gian làm việc. Do đó, nếu như muốn kiếm thêm tiền, anh Xue sẽ tự tăng giờ làm.
Anh Xue nói thêm do tính chất công việc, anh không cần phải có mặt ở nơi làm việc toàn thời gian. Ngoài ra, công việc của anh cũng không quá căng thẳng như nhiều người nghĩ, nên anh hoàn toàn có thể làm tăng ca.
Anh Xue cho biết ông chủ vẫn cho phép anh nghỉ làm nếu anh muốn. Theo đó, mỗi quý anh lại có 1 tuần được nghỉ làm mà vẫn được trả đủ lương. Nam “nhân viên tiêu biểu” cũng khẳng định không có chuyện ông chủ công ty bóc lột sức lao động của mình. Điều đáng nói, anh Xue cũng được công ty vinh danh là "nhân viên tiêu biểu" của năm 2021.
Tuy nhiên, lời giải thích của anh Xue vẫn không làm hài lòng nhiều người. Bởi họ xem anh là một phần trong văn hóa làm việc độc hại đang tồn tại ở Trung Quốc mà nhất là trong ngành công nghệ, khi nhiều nhân viên phải làm quá giờ so với quy định.
“Đã có bao nhiêu người chết vì làm việc quá sức, mà anh cũng đang cố để bị như thế sao?”, một cư dân mạng Trung Quốc bình luận.
Ngoài những ý kiến phản đối, anh Xue cũng nhận được không ít sự ủng hộ từ cộng đồng mạng. Một Giáo sư giảng dạy tại Đại học đã ca ngợi anh Xue là hình mẫu của người lao động tận tâm và chăm chỉ. Giáo sư nói thêm nếu các công ty ép buộc nhân viên làm thêm giờ thì cần phải phản đối. Nhưng nếu người lao động tự quyết định làm tăng ca, chuyện này có thể xem xét.
Bộ Tài nguyên Nhân sự và Bảo trợ Xã hội Trung Quốc từng lên tiếng cảnh báo về văn hóa "996" ở nước này. Theo đó, nhân viên thường làm việc từ 9h sáng đến 9h tối và 6 ngày/tuần.
Chính quyền Trung Quốc nhấn mạnh "văn hóa 996 vi phạm luật pháp nghiêm trọng”. Tuy nhiên, văn hóa này đã tồn tại trong ngành công nghệ Trung Quốc suốt nhiều năm qua. Hậu quả, không ít nhân viên bị chết gục ngay trên bàn làm việc vì quá sức.
Nhiều sinh viên Trung Quốc muốn được học về cái chết để bớt lo sợ
Sinh viên Trung Quốc ngày càng tỏ ra quan tâm tới việc giáo dục về cái chết để có thể chuẩn bị tâm lý và vơi bớt nỗi lo sợ.
Minh Thu (lược dịch)