Đắk Lắk: “Tàu ma” khoét sông Krông Ana, Sở TN&MT “né” trách nhiệm?
Chúng tôi chỉ kiểm tra trong giờ hành chính
Trao đổi với Infonet về vấn đề khai thác cát tại sông Krông Ana, ông Nguyễn Văn Thiềm, Trưởng Phòng quản lý khoáng sản - Sở TN&MT tỉnh Đắk Lắk cho biết, theo cam kết giữa các doanh nghiệp và UBND tỉnh Đắk Lắk, các doanh nghiệp chỉ được khai thác cát từ 6h sáng đến 18h tối mỗi ngày.
Đồng thời, tàu khai thác phải có bảng tên, biển hiệu rõ ràng theo quy định. Nếu tàu không biển, không số hiệu và khai thác ngoài khung giờ thì coi như là “cát tặc” và phải xử lý nghiêm.
Chân cầu Giang Sơn đang bị xói lở nghiêm trọng |
Về những vi phạm của HTX Giang Sơn mà Infonet đã đưa tin như: Khai thác ngoài khung giờ; dùng hàng loạt tàu không biển hiệu hút cát sát bờ, gây ra sạt lở nghiêm trọng; để tàu của các doanh nghiệp khác vào địa phận quản lý của mình khai thác.... Ông Thiềm cho biết, đến ngày 1/1/2018, giấy phép của HTX Giang Sơn sẽ hết hạn. Khi đó, Sở đề xuất với UBND tỉnh không cho gia hạn, không cấp mới nữa mà ngừng luôn. Ngoài một số vi phạm như báo chí đưa tin, HTX Giang Sơn còn vi phạm nghĩa vụ thuế và khai báo xã viên không đầy đủ.
Trao đổi về trách nhiệm xử lý những tàu cát vi phạm, ông Thiềm thông tin: “Sở TN&MT là cơ quan hành chính, hơn thế lực lượng rất mỏng, riêng phòng khoáng sản chỉ có 2 người. Nhiệm vụ của chúng tôi chủ yếu là tham mưu, đề xuất còn trách nhiệm xử lý vi phạm chính thuộc về chính quyền địa phương như UBND xã, huyện và Cảnh sát môi trường, Cảnh sát đường thủy, Công an huyện...”.
Một chiếc tàu không số đang hút cát trong bờ ngay điểm sạt lở |
Sau khi xem clip phóng viên cung cấp về những vi phạm của HTX Giang Sơn trong lĩnh vực khai thác cát, ông Thiềm cho rằng, “clip không thuyết phục”. (Dù rằng, clip mà PV cung cấp thể hiện rất đầy đủ việc trên địa phận được cấp phép của HTX Giang Sơn có hàng loạt tàu không số, không biển hiệu hoạt động ngoài khung giờ quy định và ngang nhiên chọc vào bờ khai thác tại nhiều điểm sạt lở).
Ông Thiềm phân trần: “Chúng tôi chỉ kiểm tra vào giờ hành chính, còn việc khai thác ngoài khung giờ, hút vào bờ là trách nhiệm của địa phương và cảnh sát môi trường, công an đường thủy. Khi nào chúng tôi phát hiện trực tiếp để lập biên bản mới thuyết phục. Còn dựa vào clip phóng viên cung cấp là không được”.
Tất cả đều là tàu “đểu”
Như vậy là, lý do khó phát hiện các vi phạm có phần vì các tàu cát liên tục hoành hành ngoài khung giờ quy định, ngoài giờ hành chính nhưng cán bộ chỉ đi kiểm tra vào “giờ hành chính”!
Có những điểm sạt lở đã chui sâu vào chân núi. |
Theo ông trịnh Hữu Kiệm, Trưởng Phòng quản lý vận tải phương tiện và người lái, Sở Giao thông tỉnh Đắk Lắk, năm 2008, Sở Giao thông tỉnh đã phối hợp với Chi cục Đăng kiểm phía nam, tổ chức đăng ký chứng nhận cho 45 tàu. Tuy nhiên, hiện nay các tàu này đã hết hạn đăng kiểm.
Cũng theo ông Kiệm, năm 2016, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có khoảng 51 tàu khai thác cát.
Theo quy định, các phương tiện đường thủy có công suất 15 mã lực hoặc có tải trọng từ 15 tấn trở lên thì phải có đăng ký, đăng kiểm. Tuy nhiên, hiện nay tỉnh Đắk Lắk chưa có Trung tâm đăng kiểm phương tiện đường thủy. Trước đây, Sở Giao thông tỉnh đã có công văn gửi tới các xã, huyện, đề nghị các chủ phương tiện thủy nội địa liên hệ trực tiếp với Chi cục đăng kiểm số 5 tại Nha Trang nhưng đến nay các chủ phương tiện và doanh nghiệp chưa phối hợp.