Đại tướng Nguyễn Chí Thanh khi ở chiến trường
Thiếu tướng Trần Văn Phác (1926-2012), nguyên Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân, nguyên Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Văn hóa, có nhiều năm là Bí thư riêng của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tại chiến trường Nam Bộ. Ông có hồi ký nổi tiếng: “Đại tướng Nguyễn Chí Thanh ở chiến trường”. Nhân dịp kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, chuyên trang "Tiếp lửa truyền thống" lược thuật một số nội dung trong cuốn hồi ký này. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Một ngày cuối tháng 8-1964, tôi có việc bận ở tòa soạn nên về nhà muộn. Hồi đó, tôi đã từ Tạp chí Văn nghệ Quân đội chuyển sang phụ trách Báo Quân đội nhân dân. Vào khoảng giữa trưa, bỗng một đồng chí liên lạc hối hả đến đưa tôi một công văn hỏa tốc, trong đó chỉ có mấy dòng ngắn gọn của đồng chí Phạm Ngọc Mậu, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, hẹn 14 giờ tôi vào gặp anh có việc gấp. Tôi vừa ăn vừa phỏng đoán mãi việc gấp đó là việc gì.
Từ ngày đồng chí Nguyễn Chí Thanh thôi làm Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, ra Bộ Chính trị chuyên trách mặt trận nông nghiệp, tôi rất ít gặp anh. Tôi sốt ruột hỏi anh Mậu. Anh Mậu cười:
- Mình nói để cậu biết, nhưng phải “bem” tuyệt đối; đại sự quốc gia mà để lộ là chết cả lũ. Chắc cậu cũng chưa biết anh Thanh được phân công thay mặt Bộ Chính trị vào trực tiếp lãnh đạo chiến trường. Anh đề nghị chọn một số cán bộ đi cùng đợt này, trong đó có cậu đấy. Đã có quyết định của Quân ủy Trung ương đây rồi. Hôm nay tôi mời cậu vào là để phổ biến nhiệm vụ đó!
Anh chuyển sang thăm hỏi sức khỏe, về việc thu xếp cho vợ con trước khi đi và trao đổi ý kiến về người phụ trách thay tôi ở Báo Quân đội nhân dân.
Đồng chí Nguyễn Chí Thanh ở chiến trường Nam Bộ. Ảnh tư liệu |
Mấy hôm sau tôi được triệu tập dự một lớp học đặc biệt, khi kết thúc, được Bộ Chính trị đãi một bữa tiệc mặn tại Nhà khách Bộ Quốc phòng ở 33, phố Phạm Ngũ Lão, có gần đủ các đồng chí trong Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương dự. Chúng tôi vô cùng xúc động vì sự có mặt của Bác Hồ. Buổi liên hoan đặc biệt, hiếm có này, riêng tôi cứ thấp thỏm, vì sao một nhân vật quan trọng như đồng chí Nguyễn Chí Thanh lại vắng mặt. Tôi hỏi anh Mậu, anh ghé tai tôi nói nhỏ:
- Ông Thanh đã đi đường đặc biệt, vào tới trong đó an toàn rồi, đang điện ra giục các cậu vào gấp đấy. Còn làm gì, kể cả cậu, tới trong đó, anh Thanh sẽ giao nhiệm vụ cụ thể.
Tốp 5 người chúng tôi làm một cuộc hành quân mạo hiểm theo đường mòn trên biển. Sau bảy ngày, bảy đêm, con tàu bé nhỏ của chúng tôi chẳng khác gì chiếc lá tre giữa đại dương, chất đầy thuốc nổ và vũ khí, thêm 5 cán bộ đã đổ bộ trót lọt vào cửa sông Cổ Chiên, thuộc tỉnh Trà Vinh. Từ đó, chúng tôi hành quân bộ suốt cả tháng trời ròng rã mới tới trạm đón của R (tên gọi tắt Cơ quan Trung ương Cục ở B2).
Anh Thanh đang làm việc, niềm nở ra đón chúng tôi. Anh vui vẻ giới thiệu ngôi nhà xinh xắn do các đồng chí vệ binh dựng lên rất nhanh để anh vừa làm việc, vừa ngủ ngay bên hầm trú ẩn. Anh vui miệng giới thiệu anh Trần Văn Trà, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Miền là Tư Chi, anh Lê Trọng Tấn, Chỉ huy phó là Ba Long, anh Lê Đức Anh tham mưu trưởng là Sáu Nam… Một cuộc đặt tên cho chúng tôi diễn ra sôi nổi ngay tại nhà anh. Tôi vốn họ Trần, thấy ai chưa nhận thứ tám, nên tôi xin đặt tên mình là Tám Trần.
Sau đó, chúng tôi nghe anh nói về tình hình, nhiệm vụ của chiến trường, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng người. Trước hết, anh hỏi chúng tôi trên đường đi có theo dõi chiến thắng Bình Giã không? Cũng nhờ Tổng cục Chính trị phát cho cái đài Panasonic nên chúng tôi không đến nỗi ú ớ lắm. Sau khi nghe chúng tôi trả lời, anh sảng khoái nhận định: Đây là đòn đầu tiên, trung đoàn chủ lực của ta diệt chiến đoàn ngụy ngoài công sự, nhưng ta còn phải vươn lên có nắm đấm chủ lực lớn hơn, mạnh hơn, đủ sức diệt gọn cả tiểu đoàn chủ lực địch trong công sự, mới hòng xoay chuyển nổi tình hình. Anh càng nói càng say sưa, hút thuốc lá liên tục. Anh nhắc đi nhắc lại, nhiệm vụ cần kíp trước mắt là phải có phong trào chiến tranh nhân dân mạnh, đánh mạnh địch bằng cả hai chân, ba mũi, làm cho địch khốn đốn trăm bề, không ngóc đầu dậy nổi. Bỗng anh nắm chặt bàn tay giơ cao trước mắt chúng tôi:
- Nhớ là phải có quả đấm chủ lực mạnh mới mong nắm chắc phần thắng trong tay. Chính vì vậy mà Trung ương cho chúng ta vào đây để cùng các đồng chí trong này hoàn thành nhiệm vụ đó.
Mọi người đều tâm đắc với lời nhắc nhở chí lý của đồng chí Chính ủy Quân giải phóng miền Nam: “Thỏa mãn dừng lại lúc này là có tội, phải thừa thắng xốc tới, quyết tâm đập tan chiến lược chiến tranh đặc biệt của địch”. Chính ủy Nguyễn Chí Thanh đã có nhiều đóng góp, biến tư tưởng chỉ đạo chiến lược đó thành ý chí và hoạt động của cán bộ, chiến sĩ trên chiến trường. Vì vậy chỉ sau chiến dịch Bình Giã mấy tháng, vào trung tuần tháng 5-1965, lại nổ ra chiến dịch Đồng Xoài, lớn về mục đích, yêu cầu; lớn về lực lượng tham gia, về thời gian kéo dài của chiến dịch. Một bộ phận chỉ huy tiền phương được thành lập; các anh Ba Long, Năm Thạch (Hoàng Cầm) trực tiếp đôn đốc kiểm tra, giúp đỡ các đơn vị tham chiến. Chính ủy Nguyễn Chí Thanh và Chỉ huy trưởng Trần Văn Trà ở chỉ huy sở cơ bản, chỉ huy chung các hướng toàn Miền phối hợp với Đồng Xoài.
Chiến dịch Đồng Xoài diễn ra trên địa bàn tỉnh Phước Long, không xa lắm về hướng bắc Sài Gòn, đã tạo ra khả năng chiến đấu mới của chủ lực Miền và gây nỗi kinh hoàng mới cho ngụy quân, ngụy quyền. Trong chiến dịch này, quân ta đã tiêu diệt hoàn toàn tiểu đoàn chủ lực địch trong công sự vững chắc. Khi được tin này, cả chỉ huy sở reo lên ầm ĩ. Anh Thanh thưởng cho mỗi người một điếu thuốc lá để mừng công và lại càng vui về tin quân và dân Khu V thắng lớn trrong trận Ba Gia ở Quảng Ngãi. Trong khí thế dồn dập trên khắp chiến trường, đồng chí Nguyễn Chí Thanh ngồi viết một mạch bài báo lấy tựa đề là “Ba Gia gọi Đồng Xoài”, phân tích sâu sắc về hai chiến thắng vang dội này, với bút danh Trường Sơn. Bài báo gây sự chú ý đặc biệt của cả dư luận trong và ngoài nước, đã nêu một nhận định có ý nghĩa chiến lược của chiến thắng Ba Gia-Đồng Xoài, cùng với thắng lợi phá tơi bời chiến lược bình định gom dân lập ấp chiến lược của địch là biểu hiện của sự phá sản hoàn toàn chiến lược chiến tranh đặc biệt của Mỹ-Ngụy. Sau đó ít ngày, chính Mắc Na-ma-ra, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ công khai thú nhận: “Quyền chủ động trên chiến trường đã thuộc về tay Việt Cộng”. Đối phương thừa nhận đồng chí Nguyễn Chí Thanh là một trong những đối thủ rất khó chịu của họ; còn đồng chí Nguyễn Chí Thanh rất quan tâm nắm bắt những âm mưu và hoạt động dù lớn, dù nhỏ của Mỹ…
Thiếu tướng TRẦN VĂN PHÁC
Nguồn: HỒNG HẢI lược thuật (Quân đội nhân dân)