Đại sứ Nga tại EU tiên đoán “số phận” Dòng chảy phương Bắc 2
Dự án khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 |
Trả lời câu hỏi liệu chỉ thị khí đốt mới của EU có hiệu lực trước khi đường ống dẫn khí này được đưa vào hoạt động, ông Vladimir Chizhov cho rằng có thể có nhiều lựa chọn khác nhau, nhưng đường ống dẫn khí này sẽ được xây dựng, có thể chắc chắn điều đó.
Việc sửa đổi chỉ thị về khí đốt của EU đã được thống nhất vào tối thứ Tư (13/2) tại cuộc đàm phán của đại diện Nghị viện châu Âu, Hội đồng EU và Ủy ban châu Âu.
Về vấn đề này, người đứng đầu Ủy ban Nghị viện châu Âu về Công nghiệp, Nghiên cứu và Năng lượng (ITRE) Jerzy Buzek lưu ý rằng theo dự luật, "tất cả các đường ống dẫn khí trong tương lai từ các quốc gia ngoài EU, bao gồm đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 2, sẽ phải tuân thủ các quy tắc của EU."
Tuyên bố của Buzek được đưa ra trong thông điệp của Nghị viện châu Âu. Đồng thời, người ta cho rằng, trong một số điều kiện nhất định, có thể cung cấp ngoại lệ cho các đường ống dẫn khí từ các quy tắc của chỉ thị khí đốt EU.
Hiện nay văn bản của dự luật sẽ được chuẩn bị bằng tất cả các ngôn ngữ EU để Nghị viện châu Âu và Hội đồng các nước EU phê chuẩn. Sau khi thông qua, luật mới cần được công bố trên Tạp chí chính thức của Liên minh. Luật sẽ có hiệu lực sau 20 ngày kể từ ngày công bố. Các nước EU sẽ phải đưa các quy tắc của mình vào luật pháp quốc gia trong vòng 9 tháng.
Thủ tướng Đức Merkel, Tổng thống Pháp Macron |
Trước đó, theo một dự thảo đề xuất ngày 8/2, Pháp và Đức đã đi đến một thỏa hiệp,theo đó cho phép Berlin vẫn là nhà đàm phán chính với Nga liên quan dự án Dòng chảy phương Bắc 2 tới châu Âu.
Theo dự thảo, hai nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) này đã nhất trí đảm bảo các quy định sẽ được áp dụng "dựa trên lãnh thổ và lãnh hải của quốc gia thành viên nơi bố trí điểm kết nối đầu tiên".
Về phía Mỹ, các thượng nghị sỹ Cộng hòa và Dân chủ Mỹ ngày 7/2 đã công bố nghị quyết kêu gọi hủy bỏ dự án đường ống dẫn khí đốt mang tên Dòng chảy phương Bắc 2 của Nga, đường ống chạy qua Biển Baltic từ Nga tới Đức.
Các nhà lãnh đạo của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ cho biết họ sẽ trình nghị quyết tại cuộc họp sắp tới của mình. Những người phản đối xây dựng đường ống này lo ngại rằng dự án sẽ làm suy yếu sự hỗ trợ dành cho Ukraine vì Kiev sẽ mất nguồn thu từ phí vận chuyển khí đốt qua nước này, dọc theo tuyến đường truyền thống cho các nguồn cung của Nga, vốn đáp ứng hơn 1/3 nhu cầu khí đốt của Liên minh châu Âu (EU).
Dòng chảy phương Bắc 2 là dự án liên doanh giữa Tập đoàn Gazprom của Nga với 5 công ty của châu Âu. Khi hoàn thành (dự kiến cuối năm 2019), các đường ống này hàng năm sẽ chuyên chở 55 tỷ m3 khí đốt tự nhiên từ Nga tới các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) thông qua Biển Baltic đến Đức, không đi qua lãnh thổ Ukraine.