Đặc vụ Mỹ đang “săn lùng” điệp viên Nga tại EU
Đặc vụ Mỹ đang “săn lùng” các điệp viên Nga hoạt động tại EU |
Theo Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia Mỹ (NSA) James Clapper, NSA đã được Quốc hội Mỹ cho phép tiến hành điều tra để có thể phát hiện sự có mặt của các điệp viên Nga đang hoạt động ngầm trong các đảng phái chính trị châu Âu.
Theo The Telegraph, việc cử các điệp viên ảnh hưởng sang châu Âu hoạt động chính là cách thức để Nga có thể tận dụng sự lục đục, mất đoàn kết trong nội bộ EU để hạn chế các khả năng của NATO trong khu vực này.
Ngoài ra, các điệp viên Nga đang có những tác động để cản trở đến việc thực hiện chương trình bố trí các hệ thống phòng thủ chống tên lửa của Mỹ ở châu Âu, cũng như tiếp tục thúc đẩy những lục đục, bất đồng trong nội bộ EU liên quan đến việc ban hành các lệnh cấm vận chống Nga.
Tâm trạng e ngại các điệp viên Nga không chỉ xuất hiện trong các cơ quan mật vụ Mỹ mà cả các cơ quan mật vụ Anh cũng đang lo ngại vấn đề này. Một trong những tờ báo có uy tín của Anh khẳng định rằng hiện đang có một “cuộc chiến tranh lạnh” trên chính trường châu Âu.
“Chúng tôi đã có được những bằng chứng cho thấy Nga đang cố gắng tạo ra sự bất hòa trong việc thông qua các quyết định đối với rất nhiều vấn đề chiến lược quan trọng của châu Âu”- một quan chức cấp cao Anh khẳng định.
Theo The Telegraph, các điệp viên Nga đã đạt được nhiều thành công đáng kể ở Pháp, Hà Lan, Hungary, Áo và Cộng hòa Czech”. Đảng cực hữu Pháp “Mặt trận dân tộc” do Marine Le Pen có thể coi là đảng điển hình đang chịu sự ảnh hưởng của Nga.
Các phương tiện truyền thông thời gian qua liên tục đăng tải các thông tin về chủ đề “mối quan hệ hữu hảo” giữa “Mặt trận dân tộc” với chính quyền Nga. Dường như đảng này đã trở thành cơ sở của chính quyền Putin tại Pháp và Marine Le Pen đã trở thành “fan hâm mộ ông Putin”.
Theo các nguồn tin của The Telegraph, Nga hiện đang rất tích cực trong việc đẩy mạnh các chiến dịch tuyên truyền. Các điệp viên Nga hoạt động rất bí mật nhưng vẫn hợp pháp khi tận dụng các kẽ hở trong luật pháp châu Âu.
Ngoài ra, những cáo buộc về việc chính quyền Nga đẩy mạnh các hoạt động chống lại các lợi ích của châu Âu được các phương tiện truyền thông đăng tải ngày càng nhiều.
Cuối tháng 12/2015, tạp chí The New York Times cho biết Nga đang rất tích cực củng cố và phát triển tiềm lực quân sự của mình. “Nga đang mua, cải tiến và hoàn thiện hệ thống vũ khí, trang thiết bị quân sự và hướng tới sẽ có đến 70% vũ khí hiện đại có trong trang bị của Quân đội Nga”.
Trong khi đó, chuyên gia thuộc Trung tâm phân tích thông tin HIS Jane Nick de Larrinagi cũng nhận định rằng với sự đầu tư mạnh mẽ, Nga đang thu dần khoảng cách về công nghệ với các nước phương Tây.
Việc củng cố mạnh mẽ tiềm lực ở châu Phi của Nga cũng đang khiến các nước phương Tây đặc biệt quan ngại. Giới chức châu Âu lo ngại trước khả năng Nga sẽ tận dụng lục địa đen này để “khôi phục quy chế cường quốc”.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ tờ Newsru, tờ báo chuyên đưa tin về tinh hình hình kinh tế, chính trị của Nga và các nước châu Âu, đặc biệt các tin tức liên quan tình hình các nước thuộc không gian hậu Xô Viết. News được thành lập năm 2000.