Đặc phái viên LHQ xin lỗi nhân dân Syria
“Tôi rất, rất lấy làm tiếc và xin lỗi nhân dân Syria vì họ đã đặt nhiều hi vọng các cuộc đàm phán sẽ dẫn tới điều gì đó”, ông Brahimi phát biểu với các phóng viên sau vòng đàm phán thứ hai về Syria.
Đặc phái viên Liên Hợp Quốc về vấn đề Syria Lakhdar Brahimi. |
Ông Brahimi cũng cho biết thêm rằng phiên cuối cùng của vòng đàm phán thứ hai “diễn ra căng thẳng như toàn bộ các cuộc đàm phán nhưng chúng tôi đã nhất trí được chương trình nghị sự cho vòng đàm phán tiếp theo”. Tuy nhiên, hiện chưa rõ vòng đàm phán thứ ba sẽ diễn ra khi nào.
Trong khi đó, theo hãng tin AFP, cũng trong ngày hôm qua chính quyền Syria cho rằng các cuộc đàm phán thất bại là do Mỹ, Israel làm cản trở và lực lượng đối lập không ngừng các hoạt động “khủng bố”.
“Ai cũng ra sức cản trở toàn bộ tiến trình đàm phán nói chung, cả Israel, Mỹ hay cả những kẻ tài trợ cho cái gọi là liên minh và lực lượng đối lập”, trưởng đoàn đàm phán Syria Bashar Jaafari nói với các phóng viên.
Ông Jaafari, người đồng thời là đại sứ Syria tại Liên Hợp Quốc, cũng cáo buộc Washington đã kích động lực lượng nổi dậy Syria “leo thang quân sự” ở khu vực biên giới nước này với Jordan.
“Những người đó không thực sự hướng tới sự thành công của hội nghị Geneva. Ngược lại, họ không hề có chút thiện chí nào”, ông Jaafari nói.
Hôm 14/2, Tổng thống Mỹ Barack Obama cho hay ông đang cân nhắc các biện pháp gia tăng sức ép tới chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad.
“Sẽ có một số bước đi trung gian mà chúng ta có thể thực hiện để gây sức ép tới chính quyền Assad và chúng ta sẽ tiếp tục hợp tác với tất cả các bên liên quan để tiến tới một giải pháp ngoại giao”, ông Obama phát biểu tại California.
Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ không tiết lộ các bước đi ông đang xem xét là gì.
Các cuộc đàm phán Geneva, với vòng đầu tiên diễn ra vào tháng Một, là kết quả lớn nhất sau các nỗ lực quốc tế nhằm chấm dứt cuộc chiến tranh Syria.
Sáng kiến tổ chức các cuộc đàm phán do Mỹ, quốc gia hậu thuẫn lực lượng đối lập, và Nga, quốc gia hậu thuẫn chính quyền Syria, đưa ra.